DỰ ÁN HỆ THỐNG THỦY LỢI CÁI LỚN – CÁI BÉ GIAI ĐOẠN 1, VẤN ĐỀ VÀ BÀI HỌC

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân

Về tác giả: Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học kỹ thuật nhà nước, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI.

Gắn bó trong suốt 35 năm với đồng bằng sông Cửu Long, ông đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển bền vững của đồng bằng, cho việc ứng phó với các thách thức mà đồng bằng phải đối diện, toàn cầu (biến đổi khí hậu, toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập quốc tế), khu vực (khai thác nguồn nước sông Mekong từ thượng nguồn, trong đó có việc xây dựng các đập thủy diện trên dòng chính sông Mekong) và khai thác tài nguyên tại địa bàn. Ông đã có nhiều báo cáo khoa học được chú ý tại các hội nghị trong nước và quốc tế.

Tóm tắt. Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 đã được long trọng khánh thành ngày 05/03/2022 cách đây 6 tuần. Công trình đã hoàn thành nhưng Dự án thì chưa. Có những vấn đề cần được làm rõ liên quan đến Dự án trong thời gian sắp tới và bài học cho quản lý nhà nước.
Thông tin cơ bản về Dự án
Trích từ Quyết định số 5078/QĐ-BNN-XD của Bộ NNvPTNT ngày 25/12/2018:
Mục tiêu của Dự án:
“- Kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của các tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang và tỉnh Bạc Liêu thuộc lưu vực sông Cái Lớn – Cái Bé. Đồng thời, góp phần phát triển thủy sản ổn định ở vùng ven biển của tỉnh Kiên Giang;

  • Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô, phòng chống cháy rừng, đặc biệt trong những năm hạn hán, góp phần phát triển kinh tế xã hội ổn định;
  • Tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua cải tạo đất phèn;
  • Kết hợp phát triển giao thông thủy, bộ trong vùng dự án.”
    Nhiệm vụ của Dự án:
    “- Kiểm soát nguồn nước (mặn, lọ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn – lợ, ngọt – lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120 ha, trong đó đất sản xuât nông nghiệp, thủy sản là 346.241ha;
  • Kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai, giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp (do lún sụt đất); Giảm thiệt hại do thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô cho các mô hình sản xuât trong vùng;
  • Góp phần cấp nước ngọt trong mùa mưa cho vùng sản xuất mặn, ngọt huyện An Minh, An Biên với những năm mưa ít; và tiêu thoát cho vùng hưởng lợi của dự án trong điều kiện biến đối khí hậu, nước biển dâng;
  • Kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong khu vực.”

Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 có ba hợp phần:
(1) Hợp phần xây dựng công trình gồm có xây dựng cống Cái Lớn, cống Cái Bé; xây dựng đê nối cống Cái Lớn, cống Cái Bé với QL 61. Chủ đầu tư của hợp phần là Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng 10.
(2) Hợp phần Mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, Mục tiêu của hợp phần là hỗ trợ phát triển việc áp dụng các mô hình sinh kế bền vững theo hướng sản xuất an toàn sinh học phù hợp điều kiện thực tế cho người dân ở các huyện An Biên, Châu Thành, Giồng Riềng, U Minh Thượng, thích ứng với biến đổi khí hậu và nguồn nước được kiểm soát khi xây dựng cống Cái Lớn, Cái Bé. Chủ đầu tư của hợp phần là Sở NNvPTNT tỉnh Kiên Giang.
(3) Hợp phần Mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Mục tiêu của hợp phần là (1) Xây dựng mô hình Lúa – Thủy sản (lúa hữu cơ và tôm sú; lúa hữu cơ và tôm càng xanh) – Mãng cầu – Màu tại xã Lương Nghĩa huyện Long Mỹ; (2) Xây dựng mô hình Khóm – Thủy sản (khóm và cá thác lác; khóm và cá nước ngọt, cá nước lợ) tại xã Hòa Tiến thành phố Vị Thanh. Các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu và nguồn nước được kiểm soát khi xây dựng cống Cái Lớn, Cái Bé.
Chủ đầu tư của hợp phần là Sở NNvPTNT tỉnh Hậu Giang. Tổng mức đầu tư của Dự án là 3309,5 tỷ VNĐ. Thời gian thực hiện Dự án: hoàn thành trước 31/12/2021.

Ý kiến đối với Dự án
Đã có nhiều ý kiến trái chiều về Dự án. Tác giả đã phát biểu ý kiến của mình đối với Dự án ngay từ khi Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án được ban hành (số 489/QĐ-TTg ngày 14/7/2017) và đã được đúc kết lại trong bài tham luận tại cuộc họp tham khảo ý kiến chuyên gia tại Rạch Giá ngày 07/09/2018 “Cơ sở khoa học và lý do không thể phê duyệt Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé”1 và trong bài “Phê duyệt một ĐTM và trách nhiệm giải trình” 2.
Sau khi Bộ NNvPTNT phê duyệt Dự án, tác giả dừng không phát biểu ý kiến. Dừng vì không biết đối với Bộ NNvPTNT dự án là dự án gì? Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 hay chỉ là Dự án đầu tư xây dựng công trình Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 như trong tên của QĐ 5078?
Nhưng dừng còn vì sự không rõ này dường như thể hiện một quan điểm “cứ thực hiện cho xong phần công trình, mọi chuyện khác tính sau một khi dự án đã vào ngàm”, cho dù tính khả thi của dự án tùy thuộc vào “các chuyện khác đó”, một quan điểm mà theo tác giả là trái với nguyên tắc quản lý tốt nhà nước!
Tốt nhất là chờ xem thực tế sẽ diễn ra như thế nào.

Cho đến nay ý kiến của tác giả đối với Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 không thay đổi mà có phần thêm khẳng định qua những khảo sát gần đây về biến động mực nước tại hai trạm thủy văn Xẻo Rô và Rạch Giá 3. (Hình 1, trái)

Khi nào Dự án hoàn thành? Hậu quả đối với ngân sách nhà nước.
Theo QĐ 5078 thì Dự án phải hoàn thành trước ngày 31/12/2021. Ngày 05/03/2022 đã diễn ra một sự kiện long trọng mà phông nền trên khán đài mang dòng chữ “LỄ KHÁNH THÀNH HỆ THỐNG THỦY LỢI CÁI LỚN – CÁI BÉ GIAI ĐOẠN 1”.
Chúng ta vừa khánh thành gì? Bỏ mất hai từ Dự án, không nói rõ công trình. Chỉ mới hoàn thành phần công trình, nhưng khánh thành là Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1. Hàm ý gì?
Cử tri rất muốn biết tổng mức đầu tư cho Dự án đã chi hết bao nhiêu? và điều quan trọng hơn là khi nào Dự án hoàn thành? Bởi lẽ ngân sách nhà nước không thể theo lao đã phóng, tiếp tục chi nhiều nghìn tỷ đồng và không biết trong bao nhiêu năm để đạt được Mục tiêu và Nhiệm vụ của Dự án, giả thiết là khả thi!
Khúc dạo đầu?
Giữa lúc những câu hỏi trên còn chờ được làm rõ, thì chỉ một tuần sau lễ khánh thành, đã xuất hiện trên mạng một bài báo 4 trong đó có ba đoạn rất đáng quan tậm vì có liên quan mật thiết tới Dự án trong thời gian tới. Xin trích dẫn 5:
Đoạn (A) “Theo quy trình vận hành tạm thời hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé của Bộ NN-PTNT ban hành, công trình này được vận hành thử nghiệm trong 2 năm, sau đó sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung và phê duyệt quy trình vận hành chính thức.”
(…)
Đoạn (B) “Tuy nhiên, GS Hòa cũng lưu ý, sẽ có những tác động nhất định bởi công trình này mang tính tổng thể để kiểm soát nguồn nước chung, còn để phát huy dự án này cần phải có những công trình bên trong vùng dự án để phục vụ cho từng vùng sản xuất.
(…)
Đoạn (C) “Dựa trên giải pháp tổng thể từ dự án địa phương cần phải chuyển đổi sản xuất cho phù hợp với hệ thống này. Quá trình vận hành cũng sẽ ít nhiều phát sinh những mâu thuẫn khi khu vực này cần nước ngọt, nơi kia lại cần nước mặn… Để giải quyết những vấn đề này, giai đoạn sắp tới phải có một quy trình vận hành thực sự linh hoạt”, ông Hòa nói thêm.
Người phát biểu trong các trích dẫn là Chủ nhiệm lập Dự án Hề thống Thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1, trong QĐ 5078. Có ba vấn đề cần được xem xét trong ba đoạn trích dẫn trên.

(1) Liên quan đến Đoạn (A).

  • Cần biết “quy trình vận hành tạm thời”, “thời gian vận hành thử nghiệm” “quy trình vận hành chính thức” được ban hành trong văn bản nào, vào thời điểm nào của Bộ. bởi lẽ quy trình vận hành là một nội dung được yêu cầu sửa đổi nhiều trong buổi họp nghiệm thu Báo cáo ĐTM của dự án. (Xem bài ở phụ chú 2). Tác giả đang chờ phản hồi từ Bộ NNvPTNT.
  • Tại sao hai năm mà không ngắn hơn hoặc dài hơn? Với chuyên môn của Viện mà Chủ nhiệm lập Dự án là Viện trưởng, việc vận hành thử nghiệm chắc chắn đã được mô phỏng số trong hai năm qua song song với xây dựng hai cống. Tại sao phải thử nghiệm thêm trong hai năm? Vì thận trọng khoa học, hay vì sau hai năm mô phỏng số vẫn chưa tìm được một quy trình vận hành các cống cho phép thực hiện Mục tiêu và Nhiệm vụ của Dự án, đặc biệt trong việc kết nối vận hành hai cống Cái Lớn, Cái Bé với vận hành hàng trăm cống đã được xây dựng trong các năm 1990, 2000 trong vùng đồng lũ nửa kín Tây sông Hậu, nằm ở đầu vào của hai sông Cái Lớn và Cái Bé? (Hình 1, phải)
Hình 1
  • Nếu xảy ra tình huống này thì tính khả thi của Dự án cần được xem xét lại. Tình huống còn chỉ ra rằng việc mô phỏng số đáng lý phải làm sớm hơn, trong giai đoạn lập hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để làm rõ tính khả thi của Dự án, trước khi trình xin phê duyệt chủ trương đầu tư.
  • Tác giả cho rằng, ngay ở thời điểm này, đã có thể rút ra một bài học: Cả quy trình từ lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phê duyệt chủ trương đầu tư, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập báo cáo ĐTM, xét duyệt và nghiệm thu ĐTM, đến phê duyệt dự án cần được rà soát lại chặt chẽ hơn, tăng cường tính minh bạch, tính chịu trách nhiệm, để bảo đảm ngân sách nhà nước được chi tiêu có hiệu quả. (Xem thêm 6).

(2) Liên quan đến Đoạn B.

  • Năm 2018, để thuyết minh sự cần thiết xây dựng hệ thồng thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, Báo cáo tóm tắt của Dự án dài 48 trang đã 11 lần đưa ra lập luận vì đầu tư chưa/không đồng bộ, và 7 lần viện dẫn cần đầu tư hoàn chỉnh. (Xem bài ở phụ chú1).

Lập luận trong Đoạn B giống như hai giọt nước với lập luận đã từng được đưa ra: “đầu tư phải đồng bộ, phải hoàn chỉnh”. Nghĩa là cần đầu tư tiếp cho Dự án, ở giai đoạn kế tiếp, hoặc kéo dài giai đoạn 1, nếu muốn dạt được Mục tiêu và Nhiệm vụ đề ra cho Dự án!
Đây là một khúc dạo đầu không thể rõ ràng hơn, dẫn vào một điệp khúc đã từng nghe nhưng không thú vị chút nào vì hao tài tốn của, và không thấy điểm cuối.

(3) Liên quan đến Đoạn C.
Đọc lại Mục tiêu và Nhiệm vụ của Dự án rồi đối chiếu, phân tích Đoạn C này, tác giả rất băn khoăn.
“Giai đoạn sắp tới” là giai đoạn nào, nằm ở đâu trong Dự án giai đoạn 1 (trên nguyên tắc đã hoàn thành)? “Phải có một quy trình vận hành thực sự linh hoạt”. “Thực sự linh hoạt” là như thế nào? Ai có trách nhiệm xây dựng quy trình vận hành thực sự linh hoạt này, và nhất là khi nào xong, giã thiết rằng nó tồn tại và khả thi? Từ Đoạn C chúng ta được dẫn về Đoạn A. Vòng tròn A-B-C được khép kín. Nhưng thời gian hoàn thành và tổng vốn đầu tư cho Dự án thì mở ngõ.
Thay lời kết

  • Có rất nhiều điều mà theo tác giả, các cơ quan chức năng, lập pháp và hành pháp, có thể rút ra từ Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1.
  • Tại sao có tình trạng bên này bờ bao nuôi tôm, bên kia bờ bao trồng lúa? Tại sao ở Đầm Dơi, Cái Nước (Cà Mau) người dân đã phá cống ngăn mặn do chính tay họ xây nên trước đó? Tại sao trũng treo U Minh Thượng, U Minh Hạ trước đây ngậm nước ngọt quanh năm, cung cấp nước ngọt ra các địa bàn xung quanh vào mùa khô, nay lại phải bơm nước ngọt để chống cháy cho chính chúng vào mùa khô? Tại sao rừng ngập mặn, chất độc màu da cam không hũy diệt được, tái sinh sau 1975. lại bị chặt trắng trên diện rộng sau đó? v.v. …
    Những vấn đề kinh tế – xã hội – môi trường trên đây cần nhưng chưa được nghiên cứu thấu đáo. Hãy khoan đổ lỗi cho người dân mà hãy xem lại mô hình phát triển và quản lý nhà nước đã làm gì 7.
    Người dân đồng bằng đang chờ một quy hoạch thủy lợi cho đồng bằng sông Cửu Long, mới theo tinh thần của Nghị quyết 120, để họ có được sinh kế bền vững, trong đó có quy hoạch thủy lợi cho vùng mặn của đồng bằng mà Bộ trưởng Bộ NNvPTNT đã hứa trước Quốc Hội cách đây 21 năm 8.
    Từ khóa: Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1, quy trình vận hành
    các cống, Kiên Giang, Hậu Giang, khánh thành, Quyết định 498/QD-TTg phê duyệt
    chủ trương đầu tư, Quyết định 5078/QD-BNN-XD phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng
    công trình.

Tài liệu tham khảo:

1 Nguyễn Ngọc Trân, 2018, http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/du-an-cai-lon-cai-be-ly-do-khong-the-pheduyet-3362429 hay Cơ sở khoa học và lý do không thể phê duyệt Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé
(vnulib.edu.vn)
2 Nguyễn Ngọc Trân, 2019, http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/phe-duyet-mot-dtm-va-trach-nhiem-giai-trinh3372499/ hay Phê duyệt một ĐTM và trách nhiệm giải trình (vnulib.edu.vn)

3 Nguyễn Ngọc Trân, 2022, http://daidoanket.vn/bien-dong-muc-nuoc-tai-xeo-ro-va-rach-gianhung-van-de-cotloi-va-tien-lieu-5680810.html?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo
4 ‘Siêu’ cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam và những điều không ngờ đến (thanhnien.vn), ngày 12/03/2022, bài của
phóng viên Đình Tuyển.
5 Tác giả đã liên hệ với người phát biểu đề chắc chắn rằng nội dung không trái với ý đã được phát biểu.

6 Nguyễn Ngọc Trân, 2018, Luật Đầu tư công, những sửa đổi bức thiết
http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/luat-dau-tu-cong-nhung-sua-doi-buc-thiet-3369530/

7 Nguyễn Ngọc Trân, 2019, “Đồng bằng sông Cửu Long, 44 năm chuyển đổi kinh tế, xã hội và môi trường”, http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/dbscl-44-nam-chuyen-doi-kinh-te-xa-hoi-va-moi-truong -3381677/ hay Vietnamese Mekong Delta, 44 years of economic, social and environmental transformation. Implementation of the Resolution No 120NQ-CP -5.pdf (vnulib.edu.vn)
8 Nguyễn Ngọc Trân, 2020, Thủy lợi và Nghị quyết 120/NQ-CP (vnulib.edu.vn)

Bình luận về bài viết này