HỘI NGHỊ QUỐC TẾ VỀ HANG ĐỘNG NÚI LỬA LẦN THỨ 20 VÀ HỘI THẢO KHOA HỌC  “15 NĂM PHÁT TRIỂN CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT Ở VIỆT NAM”

Quế Nam

Sáng ngày 22 tháng 11, lễ Khai mạc Hội nghị Quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 và Hội thảo Khoa học “15 năm phát triển Công viên địa chất ở Việt Nam” đã diễn tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Đắk Nông, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. 

Buổi lễ được tổ chức với sự có mặt của Đại diện Văn phòng tổ chức UNESCO tại Việt Nam – Ông Christian Manhart, Chủ tịch hiệp hội Hang động Núi lửa Quốc tế  – Ông John Brush, Chủ tịch Hội đồng  Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu – Ông Guy Martini. Cùng với đó là là đại diện ban lãnh đạo tỉnh, ban quản lý CVĐCTC Đắk Nông, các chuyên gia và nhà khoa học hàng đầu về địa chất, núi lửa và hang động núi lửa, sinh học, khảo cổ học, đại diện các CVĐCTC trong nước và trên thế giới.

Phát biểu khai mạc trực tuyến, bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường – Phạm Hồng Hà nhấn mạnh sự ủng hộ từ phía Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển các công viên địa chất. Thông qua các di sản địa học, đặc biệt là hang động núi lửa, như những trang nhật ký của lịch sử Trái Đất, giúp con người hiểu rõ hơn quá trình vận động và phát triển của Trái Đất, từ đó có những biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. 

Đây là cơ hội lớn của  Đắk Nông nói riêng và phía tỉnh nhà nói chung trong việc quảng bá và giới thiệu hình ảnh công viên địa chất cùng những di sản địa học, khảo cổ học, văn hóa, các sản phẩm địa du lịch cho bạn bè quốc tế.  

Sau đây là một số hình ảnh của Lễ khai mạc Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa lần thứ 20 (20th-ISV) và Hội thảo “15 năm phát triển công viên địa chất ở Việt Nam”. 

Các báo cáo Keynote tại phiên toàn thể: 

Keynote 1: Sustainable use of volcanic caves – an impossible dream? (Sử dụng bền vững hang động núi lửa – một điều không thể?)  –  John Brush  

Mỗi hang động có những đặc điểm cấu tạo khác nhau, vô cùng nhạy cảm và dễ dàng bị tác động bởi yếu tố tự nhiên (thời tiết, rễ cây, sinh vật, …). Khi con người vào tham quan các hang động cũng đã tác động đến bề mặt, kết cấu và sinh vật trong hang. Tại Australia,  các hang được phân làm 5 cấp độ nhạy cảm từ đó quyết định giới hạn lượng khách vào tham quan hang. 

Keynote 2: Pyroducts (lava tubes) their genesis and importance (Ống dung nham- nguồn gốc và tầm quan trọng) – Stephan Kampe 

Ống lava (lave tubes – Pyroducts) vô cùng quan trọng trong việc đánh giá quá trình vận chuyển lava sau khi phun trào. Nguồn gốc của chúng được xét thông qua 2 mặt: thạch học và cấu trúc. Các dữ liệu về cấu trúc mái hang cũng cho biết về cách hình thành hang, từ đó quyết định các sản phẩm bên trong, nhiệt độ, hơi nước, thành phần kim loại,… 

Keynote 3: A personal account of Global Geopark development in last 15 years in the Asia Pacific region (Báo cáo cá nhân cho sự phát triển Công viên địa chất toàn cầu khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong 15 năm) – Xiaochi JIN, Coordinator of Asia Pacific Geoparks Network

Từ năm 2007, mạng lưới Công viên địa chất khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã được thành lập, viết tắt là APGN. Hội nghị chuyên đề lần đầu tiên của APGN được tổ chức tại công viên địa chất Langkawi, Malaysia. Kể từ đó, phân bố các công viên địa chất toàn cầu trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương phân bố nhiều hơn, với sự đa dạng về địa học, sinh học, văn hóa,… Đến năm 2021, đã có 66 công viên địa chất toàn cầu ở 8 quốc gia.  

Một số vấn thách thức mà các CVĐCTC trong mạng lưới AGPN đang đối mặt

  1. Thiếu sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc đưa ra các quyết định và quản lý 
  2. Thiếu động lực mạnh mẽ để đưa ra kế hoạch chiến lược dài hạn và phương thức cho phát triển bền vững 
  3. Thiếu đội ngũ chuyên gia cho phát triển bền vững mặc dù CVĐC có một đội ngũ nhân viên đông  
  4. Vài CVĐC thường chú trọng vào khu vực mà khách tham quan phải trả phí và không quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững ở đó. 

Các phiên Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa lần thứ 20 (20th-ISV) và Hội thảo “15 năm phát triển công viên địa chất ở Việt Nam” được diễn ra song song từ ngày 22/11 đến 24/11. Tiếp sau đó là chuyến thực địa tham quan các miệng núi lửa tại Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông thuộc huyện Krông Nô từ ngày 25/11 đến 26/11. 

Bình luận về bài viết này