Hội thảo khoa học Địa chất Đệ tứ Việt Nam Kết quả nghiên cứu cơ bản và định hướng ứng dụng

Ngày 14/07/2023, Hội thảo khoa học Địa chất Đệ tứ Việt Nam, Kết quả nghiên cứu cơ bản và định hướng ứng dụng đã được tổ chức tại Liên đoàn Bản đồ Địa chất Miền Nam dưới sự phối hợp tổ chức của ba đơn vị và Hội Đệ Tứ – Địa mạo Việt Nam, Liên đoàn Bản đồ Địa chất Miền Nam và Phân viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phía Nam.

Phần 1- Phát biểu khai mạc, chào mừng Hội thảo. Giới thiệu chương trình, mục tiêu, yêu cầu nghiên cứu Đệ tứ trong giai đoạn mới ở đồng bằng Nam Bộ

Phần 2- Các báo cáo Khoa học tại hội thảo. Tại hội thảo 6 bài báo cáo tham luận của các nhà Khoa học đã được trình bày.

  1. Một số ứng dụng từ cuốn sách “ Địa chất Đệ tứ Việt Nam” của tác giả Nguyễn Đức Tâm, 2022 – Trình bày: KS. Nguyễn Đức Tâm
    • Địa chất Đệ tứ Việt Nam là 01 cuốn sách lớn, hệ thống hoá kết quả nghiên cứu hơn nửa thế kỷ về địa chất Đệ tứ ở Việt nam và của chính tác giả . Nội dung vừa có tính khái quát, vừa có những điểm nhấn, cụ thể, chi tiết hoá; có phần ứng dụng và định hướng ứng dụng, đề xuất nghiên cứu tiếp. Khái quát thể hiện ở bản đồ Địa chất Đệ tứ Việt Nam tỷ lệ 1/1.000.000, thang địa tầng và các mặt cắt trầm tích Đệ tứ và các mô tả với rất nhiều ảnh chụp minh hoạ kèm theo ở các đồng bằng và dải đồng bằng lớn. Chi tiết và đặc biệt chi tiết khi xác định, liên hệ các tầng trầm tích, các bậc thềm biển, các di chỉ khảo cổ học với nhau và với các đợt biển tiến Yên Mô tuổi Pleistocen giữa; biển tiến Cát Lâm, Bỉm Sơn, Vĩnh Phúc tuổi Pleistocen muộn; biển tiến Đống Đa, biển lấn Quảng Xương, biển tiến hiện đại tuổi Holocen. Nhiểu vấn đề ứng dụng liên quan với kết quả nghiên cứu tài nguyên, môi trường, văn hoá – lịch sử cũng có trong cuốn sách.
    • Nội dung cuốn sách rất phong phú nhưng trong khuôn khổ Hội thảo, Tác giả tập trung giới thiệu 05 ứng dụng liên quan với cuốn sách của mình: 1)- Tài liệu trầm tích Đệ tứ Việt nam và ứng dụng cho Địa chất thuỷ văn, địa chất công trình, tìm kiếm khoáng sản, nghiên cứu cải tạo thổ nhưỡng; 2)-Tài liệu khảo cổ học và ứng dụng cho nghiên cứu lịch sử hình thành loài người ở Việt Nam và Đông Nam Á; 3)- Tài liệu về biến đổi khí hậu hiện đại vả ưng dụng cho qui hoạch lại sản xuất – dân cư và bảo vệ môi trường vùng miền ven biển; 4)- Về đảo cực từ trường quả đất và ứng dụng để tìm hiểu ảnh hưởng đến môi trường; 5)- Những việc cần làm.
  2. Đặc điểm các trầm tích Holocen ở đồng bằng Thừa Thiên Huế, tai biến địa chất và di sản địa chất liên quan – Trình bày: TS. Vũ Quang Lân
    • TS. Vũ Quang Lân, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất Miền Bắc, chủ biên, tác giả của nhiều đề án đo vẽ bản đồ địa chất, tìm kiếm khoáng sản tỷ lệ 1/50.000; trong đó có các đề án ở đồng án ở đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng đồng bằng Thừa Thiên – Huế.
    • Báo cáo tập trung trình bày 03 vấn đề: 1)- Đặc điềm các trầm tích Holocen; 2)-Tai biến địa chất liên quan với các trầm tích Holocen; 3)- Tiềm năng di sản địa chất; du lịch địa chất; đáp ứng lịch văn hoá liên quan với các trầm tích Holocen.
  3. Giới thiệu về Geosite và Geodiversity – Trình bày: PGS.TS Hà Quang Hải
    • PGS.TS. Hà Quang Hải, nguyên là Chủ nhiệm khoa Môi trường, trường Đại học Khoa học Tự nhiên Tp Hồ Chí Minh; cùng với KS. Ma Công Cọ đồng chủ nhiệm đề án đo vẽ địa chất, tìm kiếm khoáng Tp Hồ Chí Minh tỷ lệ 1/50.000, năm 1988; chuyên gia địa mạo – địa chất, môi trường, địa chất môi trường. PGS.TS. Hà Quang Hải là một trong số ít người đã sớm tiếp cận khái niệm Geosite và Geodiversty, đưa chúng vào nghiên cứu, phổ biến, giảng dạy ở Việt Nam, đã hướng dẫn 01 NCS bảo vệ thành công luận án TS về Geosite và Geodiversty.
    • Báo cáo khẳng định Geosite (di sản địa chất) là 01 phần của địa quyển có ý nghĩa quan trọng đặc biệt để nhận thưc về lịch sử trái đất; là 01 dạng tài nguyên địa chất có giá trị, rất có giá trị; cần quan tâm, nghiên cứu, quy hoạch, quảng bá, bảo vệ và bảo tồn, khai thác để phát triển du lịch, kinh tế – xã hội. Các khái niệm Geosite và Geodiversity (đa dạng địa học); các tiêu chí xác định chính, các giá trị bổ sung và mối quan hệ của chúng đối với nhau được trình bày rõ ràng trong báo cáo.
  4. Lựa chọn phương pháp mới trong Lập bản đồ địa chất khoáng sản tỉ lệ 1:50.000 vùng đồng bằng châu thổ Việt Nam – Trình bày: ThS. Nguyễn Thị Thu Thủy
    • ThS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ, phó phòng Kỹ thuật Liên đoàn Bản đồ địa chất Miền Nam, rất tâm huyết với việc xây dựng cơ sở dữ liệu, xử lý, chia sẻ, khai thác dữ liệu theo công nghệ tin học 4.0 và các phương pháp nghiên cứu hiện đại.
    • Báo cáo trình bày tại Hội thảo của ThS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ, một mặt, nêu những hạn chế của các phương pháp nghiên cứu truyền thống, hạn chế của việc áp dụng công nghệ tin học trong lĩnh vực địa chất hiện nay; mặt khác, nêu lên sự cần thiết, khả năng và hiệu quả, lợi ích to lớn của việc áp dụng triệt để công nghệ tin học và các phương pháp nghiên cứu hiện đại phục vụ cho việc nghiên cứu địa chất địa chất, khoáng sản, địa chất môi trường đa mục tiêu.
  5. Giới thiệu giải pháp sáng chế “ Đập mở để ngăn thủy triều và giữ nước sông” – Trình bày: TS Hoàng Ngọc Kỷ
    • TS. Hoàng Ngọc Kỷ sinh năm 1936, nhà địa chất lão thành; từng là chủ biên 4 phương án đo vẽ bản đo vẽ địa chất – khoáng sản tỷ lệ 1/200.000 cụm tờ Hà Nội, Hải Phòng – Nam Định, Thanh Hoá –Vinh và Đồng bằng Nam Bộ; là một trong các tác giả của Bản đồ địa chất và Khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1/500.000 – công trình được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm 2005. Ông đã có 03 công trình được in ấn, xuất bản: chủ biên chuyên khảo “Loess nguồn gốc gió ở Việt Nam và Đông Nam Á”; tác giả cuốn sách “Địa chất và môi trường Đệ Tứ Việt Nam; tác giả cuốn sách “An ninh Môi trường – Hiểm họa và phương pháp phòng chống”.
    • Báo cáo Giới thiệu giải pháp sáng chế “Đập mở để ngăn thuỷ triều và giữ nước sông” là 01 ý tưởng khoa học liên quan với nền móng công trình; trầm tích và quá trình địa chất, địa mạo, thuỷ văn, thuỷ triều hiện đại. Mục tiêu của giải pháp là chủ động trữ nước ngọt, hạn chế ảnh hưởng của thuỷ triều, xâm nhập mặn; phục vụ sản xuất và dân sinh trên các đồng bằng và đô thi ven biển; bảo đảm giao thông thuỷ; giảm chi phí xây dựng, vận hành, bảo trì đập. Giải pháp đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp bằng sáng chế độc quyền số 1901 ngày 25/4/2019; ngày 5/4/2023 đã được UBND Tp Hồ Chí Minh cho phép tổ chức nghiên cứu thử nghiệm.
    • Tác giả dự kiến chọn 01 trong 2 cửa kênh: Tham Lương hoặc Gò Công để tổ chức nghiên cứu thử nghiệm, kêu gọi các nhà khoa học chia sẻ, cùng hợp tác lập dự án và nghiên cứu.
  6. Một vài vấn đề từ các kết quả nghiên cứu trượt lở đất, đứt gãy, địa mạo thủy văn – Trình bày: TS. Vũ Văn Vĩnh.
    • TS. Vũ Văn Vĩnh, Phó chủ tịch Hội Đệ tứ – Địa mạo Việt Nam, tác giả thành phần của hơn 15 đề án điều tra nghiên cứu địa chất – khoáng sản, lập bản đồ địa mạo tỷ lệ 1/200.000, 1/50.000; địa chất đô thị tỷ lệ 1/25.000. Là chủ biên hoặc tác giả chính của nhiều đề tài nghiên cứu về môi trường địa chất, tai biến địa chất, địa mạo thuỷ văn; phân tích địa mạo phát hiện, xác định các đứt gãy, miệng núi lửa phục vụ việc tìm kiếm nước dưới đất; xác định và dự báo trượt lở đất, lún sụt đất, biến dạng nền đất.
    • Nứt trượt lở đất ở Đak Nông do 2 nguyên nhân: 1)- Nguyên nhân sâu xa là điều kiện cần cho trượt lở đất – Xung yếu về địa chất và bất ổn về địa mạo. 2)- Nguyên nhân trực tiếp là điều kiện đủ – Tác động bất thường, kích thích như do mưa lớn tập trung dài ngày; do tác động nhân sinh,…Nơi xung yếu về địa chất là nơi có các miệng nón núi lửa, có các đứt gãy, đặc biệt rõ và mạnh mẽ ở nơi chúng tập trung, nơi giao nhau của chúng. Nơi bất ổn về địa mạo là nơi xâm thực sâu hoặc xâm thực ngang cắt vào chúng, cắt chân khối trượt. Các miệng nón núi lửa được nhận dạng dựa trên thuyết hiện tại luận, bắt đầu từ các miệng nón núi lửa tuổi Holocen, Pleistocen muộn. Các đứt gãy được phát hiện, xác định bằng phân tích địa mạo đều có cơ sở địa chất, tài liệu địa chất, địa vật lý kiểm chứng.
    • Dựa theo nguyên nhân đã được xác định năm 2005 phân tích địa mạo đã phát hiện thêm nhiểu cung trượt mới và cũ; đã dự đoán nguy cơ nứt trượt lở đất cho các địa chỉ khu, tuyến, điểm cụ thể. Kết qủa dự báo năm 2005 còn được kiểm chứng là tin cậy khi nứt trượt lở đất xảy ra ở Đak Nông vào tháng 6/2006, tháng 9/2007.
    • Có thể xem nguyên nhân nứt trượt lở đất ở Đak Nông là công thức chung cho việc xác định nguyên nhân, dự báo nứt trượt lở đất ở những vùng phát triển các đá không phải là bazan, dự báo sạt lở bờ sông.
Chụp hình lưu niệm tại Hội thảo
Đến với Hội thảo, thay mặt tập thể tác giả, PGS. TS Tạ Hòa Phương (Chủ biên) và PGS.TS Đặng Văn Bào đã gửi tặng các đơn vị ấn phẩm “ Kỳ quan hang động Quảng Bình Việt Nam”.

Hội thảo sẽ là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy sự hợp tác, chia sẻ kiến thức và có thể sẽ tạo ra cơ hội để các nhà khoa học lão thành, đã có tuổi và các thế hệ trẻ thuộc nhiều hướng chuyên sâu khác nhau có thể hợp tác với nhau trong giải quyết các nhiệm vụ quan trọng trong điều tra cơ bản về địa chất nói chung, địa chất Đệ tứ – địa mạo, hướng tới sử dụng bền vững các dạng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai.

Hội thảo kết thúc với một số kết luận về những gợi mở cho các hướng nghiên cứu tiếp theo về địa chất Đệ tứ. Trong bối cảnh hội nhập, các kỹ thuật mới không ngừng phát triển sẽ là cơ hội và cũng là thách thức cho ngành Địa chất. Một tín hiệu vui là các vấn đề liên quan đến “địa di sản” đã được trình bày và thảo luận qua hầu hết các chủ đề báo cáo và hứa hẹn sẽ là một định hướng nghiên cứu được các nhà địa chất quan tâm trong thời gian tới đây.

Phương Chi ghi từ Các kết quả của Hội thảo.

Bình luận về bài viết này