NHẬT KÝ THỰC ĐỊA KHÁM PHÁ CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU ĐẮK NÔNG 

Quế Nam

Phần 2: Khám phá hang động núi lửa và cánh đồng dung nham Nâm B’lang 

Khác với những hang động Karst kỳ vĩ ở khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ của Việt Nam hình thành từ hoạt động ngoại sinh, hệ thống hang động của CVĐC toàn cầu Đắk Nông được hình thành từ hoạt động nội sinh của Trái Đất – phun trào núi lửa. Hiện nay, các nhà khoa học đã phát hiện ra ít nhất 50 hang động núi lửa (lava tube), liên quan chặt chẽ đến hoạt động của núi lửa Nâm B’lang ở xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô. Nổi bật nhất là hang C7 dài 1.217m (vừa mới được phát hiện thêm 150m) dài nhất khu vực Đông Nam Á. 

  • ĐN04, 05 – Hệ thống hang động núi lửa C3-C4, C6.1 

Trong chuyến thực địa này, các nhóm khám phá sẽ được chia nhỏ ra để lần lượt vào các hang khác nhau, tùy vào khả năng tiếp cận của hang (có hang cửa vào là hố sụt nên cần phải có thang dây leo vào) và kinh nghiệm của du khách (thể lực và biết sử dụng thiết bị SRT). Nhóm chúng tôi được xếp vào các nhóm hang dễ tiếp cận đó là: C3-C4 và C6.1 vào ngày 25 tháng 11, và C8, C9 vào ngày 26 tháng 11. 

9g sáng, chúng tôi xuống xe và  đi bộ vào rừng khoảng 3km để đến được cửa hang C3-C4. Đoàn chúng tôi được anh Tuấn từ Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản dẫn đường đến các cửa hang. 

Hang C3-C4 thông nhau và có 2 cửa riêng biệt. Hang cao 20m và rộng khoảng 15m, tổng chiều dài 903,7m. Các cửa hang hình thành do trần của ống dung nham sập xuống để lại những khối đá khổng lồ nên dễ dàng cho chúng tôi leo vào. 

Mỗi thành viên trong đoàn được trang bị 1 nón bảo hiểm và 1 đèn pin để quan sát và di chuyển trong hang. Mỗi một chi tiết bên trong hang động, trên tường hang hoặc trên trần hang đều thể hiện các dấu vết của dòng dung nham đã từng chảy qua và từ đó các nhà khoa học biết được đặc tính của dung nham. 

Hình 1. Cửa hang C3 
Hình 2. Các chuyên gia trong hang động khám phá trong hang C3

Hang C6.1: Sau bữa ăn trưa ở trại láng, chúng tôi tiếp tục khám phá hang 6.1, nơi có dấu vết của người tiền sử. 

Hang 6.1 được tìm ra vào năm 2015. Cửa hang hình thành do sập trần nhà có chiều rộng 20m và nằm ở độ sâu 7m, ngăn lối đi ở phía nam. Hang khá ngắn, trần hang có nhiều nơi yếu và hiện đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Các ngấn dung nham dễ dàng tìm thấy ở cửa hang. Hệ sinh thái tại cửa hang rất phong phú và ấn tượng với cây môn khổng lồ. Trong hang có rất nhiều dơi nên người dân cũng từng đến đây khai thác phân dơi. Vô tình, họ tìm thấy nhiều đồ tạo tác khảo cổ như: rìu bầu dụng, mảnh gỗ và đồ gốm. Năm 2018, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã tiến hành khai quật và phát hiện di cốt người tiền sử đầu tiên ở Tây Nguyên. 

Hình 3. Phương Khanh tại cửa hang C6.1 có ngấn dung nham 
Hình 4. Di tích khai quật mộ của người tiền sử ở hang C6.1, trần hang yếu 
  • ĐN06 – Thác Gia Long 

Thác Gia Long trước kia có tên là Dray Sap Thượng. Trong một lần dạo thăm, vua Bảo Đại đã đặt tên là thác Gia Long. Cũng như Dray Sap, thác Gia Long được hình thành từ dòng chảy basalt của núi lửa Nâm B’lang. Đứng từ trên, chúng tôi dễ dàng quan sát các dạng basalt cột tách rời bao quanh bởi dòng nước màu ngọc bích đặc trưng. 

Hình 6. Thác Gia Long

Ngày 26 tháng 11: Tham quan núi lửa Nam B’lang và hang C8, C9

  • ĐN07 – Núi lửa Nâm Blang và cánh đồng núi lửa. 

Buổi sáng thức dậy, sau khi check out phòng, xe đưa chúng tôi đến địa điểm tập kết tại khách sạn Quốc Huấn. Tại đây, chúng tôi được nhập đoàn mới và trekking băng qua cánh đồng núi lửa Nâm B’lang để đi đến hang C8 và C9 tại xã Buôn Choah, huyện Krông Nô . 

Con đường băng qua cánh đồng vô cùng nên thơ. Xa xa là những luống ngô đã thu hoạch xong, điểm xuyến cùng đồng hoa xuyến chi reo mình trong gió. Trên đường đi, chúng tôi cũng được ngắm núi lửa mẹ Nâm B’lang có tuổi Pleisstocen giữa (trẻ nhất là 199 nghìn năm và cổ nhất là 689 nghìn năm). 

Hình 7. Núi lửa Nâm B’lang nhìn từ xa
  • ĐN 08,09 – Hang động núi lửa C8, C9

Hang C8 và C9 được đánh giá là khá đẹp và dễ dàng đi vào. Chúng tôi mất khoảng hơn 45 phút mới tiếp cận được miệng hang. Hang C8 có cơ chế hình thành vô cùng phức tạp nhưng cũng rất thú vị. Nơi đây như một bảo tàng sống động về nội thất bên trong hang núi lửa như: thạch nhũ nguyên sinh, thạch nhũ thứ sinh, pahoehoe, gò than đá (dấu tích của cây cối đã bị đốt), giếng trời “skylight”, vòm hang, … 

Hang C9 ngắn hơn (dài 131,7 m). Điểm đặc biệt của hang là có 1 hố sụt rất lớn và hệ sinh thái khổng lồ tại cửa hang động. 

Lời kết  

Nhóm đã có một hành trình tuyệt vời cùng những trải nghiệm khó quên trong cuộc đời. Các di sản địa chất – địa mạo cũng như văn hóa lịch sử là kho báu vô cùng đáng giá của CVĐCTC Đắk Nông. Chuyến đi này là tài nguyên rất hữu ích cho những bài giảng trong giáo dục địa môi trường về sau. 

Trong lần băng rừng đến hang C3, tôi đã có dịp trò chuyện cùng một chuyên gia người Anh vô cùng thân thiện. Bác kể rất nhiều về vấn đề phát triển bền vững, làm thế nào để có tiếng nói chung về lợi ích kinh tế và môi trường. “It’s about for the long-term”- “Nó dành cho một quá trình dài lâu”. Điều quan trọng là sự lựa chọn cho sự tồn tại lâu dài của những tài nguyên mà bạn đang sử dụng để phục vụ cho mình. Phát triển địa du lịch chính là sự lựa chọn cho tính bền vững này. 

Lời cảm ơn 

Qua đây, nhóm địa môi trường xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban Quản lý CVĐCTC Đắk Nông, chị Tôn Thị Ngọc Hanh, cũng như các anh chị trong ban tổ chức, điều hành tour, cộng tác viên: anh Ngọc Bảo, chị Thu Nguyên, anh Hưng, anh Nhật Linh, chị Hoàng Anh, chị Bạch Vân, chị Hằng, chị Diệu,..  cùng tất cả các anh chị khác đã hỗ trợ vô cùng nhiệt tình. 

Nhóm cũng xin cảm ơn đến các anh chị đã đồng hành cùng 2 cô trò trong chuyến thực địa 3 ngày 2 đêm khám phá CVĐCTC Đắk Nông: chị Hạnh, anh Tuấn, anh Hưng, chị Inna, chị Alice, bà Julia cùng tất cả các chuyên gia địa chất, núi lửa học, khảo cổ học,…Tất cả là sự động viên tinh thần to lớn dành cho cô trò qua hành trình chinh phục các hang động tuyệt vời này. 

Bình luận về bài viết này