NHẬT KÝ THỰC ĐỊA KHÁM PHÁ CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU ĐẮK NÔNG 

Quế Nam

Phần 1:  Chuyến đi Gia Nghĩa – Krông Nô

Mở đầu

Trong khuôn khổ của Hội nghị Quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20, nhóm địa môi trường chúng tôi (cô Quế Nam và bạn Phương Khanh – học viên cao học đang làm đề tài về địa du lịch) đã có cơ hội được tham quan một số điểm đến trong Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông (CVĐCTC Đắk Nông) và nhất là được trải nghiệm một sản phẩm địa du lịch vô cùng thú vị đó là: khám phá hang động núi lửa. Chuyến thực địa kéo dài 3 ngày 2 đêm  từ ngày 24 – 26/11. 

Sau đây là một số ghi chép và hình ảnh mà chúng tôi đã ghi nhận trong hành trình vừa rồi. 

Ngày 24 tháng  11: Xuất phát từ thành phố Gia Nghĩa đi huyện Krông Nô  

  • ĐN01 – Bảo tàng âm thanh 

Từ Trung tâm hội nghị tỉnh ở thành phố Gia Nghĩa, trưa ngày 24 tháng 11, chúng tôi được đưa với địa điểm đầu tiên đó là Trung tâm văn hóa Đắk Nông. Ngoài trời lúc này mưa nhẹ và nhiệt độ khá mát mẻ khoảng 23oC. 

Tại đây, chúng tôi được tham quan Bảo tàng âm thanh – Explora of the Sounds. Đó là 7 căn phòng đại diện cho 7 âm thanh khác nhau được phát ra từ đá, nước, lửa, gỗ, không khí, ánh sáng và con người. Nơi đây sử dụng công nghệ hiện đại cùng với các loại nhạc cụ của dân tộc thiểu số: đàn đá, cồng chiêng,… để tạo ra những trải nghiệm cho du khách.  Với chủ đề chính “Xứ sở của những âm điệu”, bảo tàng là ca khúc chủ đề mở màng cho hàng hoạt những âm thanh sống động sau này mà chúng tôi được trải nghiệm. 

Được lắng nghe những câu chuyện mà các chị thuyết minh giải thích, được tận mắt cảm nhận nguồn năng lượng của chính mình qua đá và hiểu câu chuyện về sự tâm huyết của Ban Quản lý CVĐCTC Đắk Nông, chúng tôi thật sự được thuyết phục bởi sự chỉnh chu và đầu tư nghiêm túc cho nơi này.

  • ĐN 02 – Núi lửa Băng Mo

Đi dọc theo quốc lộ 14 từ Gia Nghĩa lên huyện Krông Nô, xe chúng tôi ghé thăm trang trại trồng cao su – ca cao, cũng như đi ngang chiêm ngưỡng vẻ đẹp từ xa của 1 trong 5 nón núi lửa thuộc CVĐCTC Đắk Nông, núi lửa Nâm Glê (núi lửa Thuận An) thuộc xã Thuận An huyện Đắk Mil. 4 nón núi lửa còn lại đó là núi lửa Nâm Blang (Chư R’luh) và cụm núi lửa Nam Kar thuộc huyện Krông Nô, núi lửa Băng Mo (Ea Tlinh) và núi lửa âm Nam Dơng thuộc huyện Cư Jút.  

Buổi chiều hôm ấy, dừng lại geosite đầu tiên, núi lửa Băng Mo tại thị trấn Ea T’ling của huyện Cư Jút lúc 4g00, chúng tôi nhận được sự tiếp đón nồng hậu từ phía Ban lãnh đạo huyện và các bạn Đoàn thanh niên. 

Núi lửa Băng Mo là nón núi lửa có hình dạng cân đối nhất trong 5 nón núi lửa ở đây. Con đường bộ đi vào chân núi tương đối bằng phẳng và chỉ mất khoảng 20 phút từ chân để leo đến đỉnh. Núi lửa Băng Mo gồm ít nhất 2 miệng ứng với ít nhất 2 đợt phun trào: Một miệng có niên đại lớn hơn với đường kính khoảng 673m với chiều cao 82m, độ cao 420m so với mực nước biển; miệng còn lại trẻ hơn có đường kính 242m, chiều cao 40m với hình dáng miệng còn tương đối rõ nét. 

Nhà vọng cảnh của núi lửa Băng Mo từ trên xuống có thể bao quát được cánh đồng ngô, cà phê được trồng trên nền lớp phủ basalt đã phong hóa. Tuy nhiên do quá nhiều cây cối rậm rạp nên chúng tôi vẫn chưa có góc nhìn để quan sát rõ ràng hình dạng miệng núi lửa. 

Sau một chuyến đi dài khoảng 80km, điểm đến cuối ngày của chúng tôi là khu du lịch Đray Sap. Tiếng cồng chiêng, các nhạc cụ dân tộc khác hòa cùng tiếng ca vang vọng núi rừng của những dân tộc anh em như Thái, Mạ, M’Nông, Ê-đê,… đã để lại nhiều dấu ấn khó phai trong lòng mỗi người.

Hình 8. Bữa tiệc tại KDL Đray Sap, huyện Krông Nô cùng phần trình diễn của các dân tộc bản địa. 

Ngày 25 tháng  11: Khám phá hang động núi lửa C3-C4, C6.1, thác Dray Sap và thác Gia Long

  • ĐN 03 – Thác Dray Sap 

Buổi sáng thức dậy, chúng tôi gặp thêm các thành viên mới đến trong đoàn. Tranh thủ thời gian sau khi ăn sáng, mọi người rủ nhau tham quan thác Đray Sap ngay trong khuôn viên của khu du lịch. Từ cổng chào theo cầu thang xuống, men theo bờ suối, sau 10 phút đi bộ trong khu rừng, dòng thác Đray Sap hùng vĩ hiện ra trước mặt chúng tôi. 

Thác Đray Sap là một trong hệ thống 3 thác nước trên dòng Sêrêpốk (thác Đrây Sap, thác Đray Nur và thác Gia Long). Theo tiếng Ê-đê, tên Đray Sap có nghĩa là khói. Nơi đây từ lâu là địa điểm du lịch nổi tiếng của vùng Tây Nguyên. Thác Đray Sap có nước chảy quanh năm nhưng hạn chế về mùa khô do đập thủy điện Buôn Cốp. 

Theo cẩm nang địa chất của CVĐCTC Đắk Nông, thác Đray Sap được hình thành cách đây 300,000 năm (?) qua 2 pha phun trào basalt. Pha đầu, dòng dung nham phủ chờm lên các thành tạo trầm tích lục nguyên cùng với việc địa hình không bằng phẳng nên dòng basalt đã lấp đầy các vùng trũng, nguội lạnh và tạo nên basalts dạng cột. Ta có thể quan sát rất rõ vách của thác lộ dạng cột với nhiều hình thái khác nhau. Pha sau, dòng dung nham xuất hiện tro, xỉ và các tảng có hình thái khác nhau phản ánh nên chuyển động của các dòng dung nham.  

Hình 9. Thác Đray Sap

Mời các bạn cùng đón xem phần 2 – Khám phá các hang động núi lửa và cánh đồng dung nham Nâm B’lang. 

Bình luận về bài viết này