VỀ ĐỢT THỰC TẬP MÔI TRƯỜNG ĐẠI CƯƠNG NĂM 2017

Đợt thực tập Môi trường Đại cương cho 180 SV lớp 15_KMT từ ngày 17 đến ngày 22 tháng 07 đã hoàn thành. Trước chuyến đi, có sự lo ngại ảnh hưởng của cơn bãi số 2 đổ vào phía Bắc, may thay không hề hấn gì. Năm nay cũng ghi nhật ký, nhưng không post trên Diamoitruong, phần vì mạng nơi ở ốm yếu, phần vì bận viết bài cho hội thảo về Công viên Địa chất Núi Thành, Quảng Nam; nhưng đúng hơn cả là những lăn tăn về đợt thực tập này.

Hôm nay rảnh, viết những dòng cảm nghĩ dưới đây về đợt thực tập – đợt hướng dẫn lần thứ 12 môn Thực tập Môi trường Đại cương.

  1. Bỏ Hòn Mun

Hòn Mun – phần lõi của Khu bảo tồn Vịnh Nha Trang, nơi những năm đầu dẫn đoàn đến thực tập thật phấn khích với sự hướng dẫn nhiệt tình của các bộ khoa học từ lúc còn là Khu bảo tồn biển Hòn Mun. Sinh viên đến đây được nghe giảng về Mô hình bảo tồn đa dạng sinh học biển, về cộng đồng dân cư tại các đảo tham gia bảo tồn có đời sống được cải thiện. Sinh viên được lên tàu đáy kính để tìm hiểu san hô, được thỏa thích tắm biển xanh và sạch.

Năm ngoái, khách du lịch Trung Quốc đổ ra Hòn Mun quá nhiều. Gần 200 SV và thày cô lọt thỏm trong đám người gọi là du khách này; một không gian hỗn độn, nhốn nháo, ồn ào không còn gì là vùng lõi của khu bảo tồn. Tàu đáy kính chỉ còn 1 chiếc, 20 nhóm SV thực tập lần lượt lên tàu thăm quan phải mất gần 2 giờ đồng hồ. Thôi ! chào Hòn Mun.

Ra Hòn Mun năm ngoái – 2016
  1. Xa dần mỏ Bauxit Bảo Lộc

Mỏ bauxite Bảo Lộc – điểm thực tập rất hữu ích cho sinh viên không chỉ ngành Môi trường mà cả ngành Địa chất nữa. Giám đốc mỏ – Kỹ sư Trí luôn nhiệt tình giảng cho sinh viên ngay tại mỏ về qui trình khai thác quặng, tuyển quặng, về bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, về phục hồi mỏ sau khai thác (hoàn thổ). Nhưng cách đây hai năm Xí nghiệp phải giải thể do quặng đầu ra không tiêu thụ được. Xí nghiệp chờ chuyển giao, văn phòng đóng cửa, xưởng tuyển quặng ngừng hoạt động, thiết bị rỉ sét. Cũng từ hai năm nay, kỹ sư Trí giúp đoàn theo kiểu cầm trừng do chờ chuyển giao xí nghiệp. Mỏ bauxite Bảo Lộc ơi – Buồn.

Trời mưa, kỹ sư Trí đi công tác đột xuất, tập trung học trong xưởng tuyển quặng bauxite đã bỏ hoang hai năm
  1. Saigon Water Dankia

Năm ngoái Công trình cấp nước sạch Dan Kia (Công ty cấp nước Suối Vàng) không đồng ý cho đoàn thực tập ?. Năm nay lúc đầu công ty này đồng ý, nhưng rồi đến ngày đoàn chuẩn bị khởi hành lại không đồng ý ?. Rất may, Công ty cấp nước Sài Gòn Dan Kia chấp nhận cho đoàn thăm quan, học tập. Cơ ngơi mới, không gian thoáng, đẹp; cán bộ kỹ thuật nhiệt tình. Sagon Water Dankia ơi – Xin cảm ơn.

Điểm thực tập mới – Công ty cấp nước Sài Gòn Dan Kia 2
  1. Rào, chặn thềm 3 sông Đa Queyon

Điểm thực tập cảnh quan thung lũng sông Đa Queyon tại cầu Đại Ninh, nơi có sự hiện diện đầy đủ hệ thống 2 bãi bồi và 5 bậc thềm sông. Tại đây bậc thềm 3 có cấu trúc hấp dẫn nhất với tầng cuội thạch anh mài tròn dày tới 1,0 m. Năm nay không tiếp cận được bậc thềm này do nhà dân và rào che kín  – Tiếc.

Thềm 3 sông Đa Queyon tại cầu Đại Ninh bị nhà cửa, rào chặn kín
  1. Phẫu diện đất Langbiang

Khu du lịch Langbiang mới được sửa sang lại. Dẫy nhà bán hàng lưu niệm bãi xe dưới chân núi khang trang hơn, nhà vệ sinh sạch; có điều giá cả mắc hơn trước. Dọc theo bờ vách trên đỉnh Radar (1900 m), nơi có phẫu diện đất khá đẹp mà năm nào cũng được các thày, cô giảng cho sinh viên. Năm nay người ta đã làm nhà xe dọc theo chân vách này, không tiếp cận được phẫu diện đất này nữa – Tiếc.

Nhà xe chắn phẫu diện đất trên đỉnh Radar
  1. Bảo tàng Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên

Một bảo tàng động vật và vườn thực vật thật sinh động, điểm học tập và thăm quan bổ ích. Mấy năm nay xuống cấp quá, đang tính bỏ điểm này ra khỏi chương trình. Hôm rồi nghe bác bảo vệ nói Bảo tàng này sắp được đầu tư, số tiền tới 50 tỉ với sự hợp tác của nước ngoài (Anh thì phải), nghe mà sướng – hy Vọng.

Nghe nói Bảo tàng sinh học Tây Nguyên sẽ được nâng cấp
  1. Bến Lội

Bến Lội là điểm giải trí thượng nguồn Sông Cái Nha Trang dưới chân đèo Khánh Lê. Năm nào cũng vậy, sau hành trình xuống đèo có phần lo lắng, ăn trưa xong là thày trò xuống bãi bồi cuội đủ hình dạng. Nghe giảng bài, lội nước, chơi trò đá cân bằng, chụp ảnh. Năm nay ông chủ quán Bến Lội định không cho đoàn đi bậc thềm xuống bến, nguyên nhân có lẽ do đoàn ăn trưa tại quán Chân Đèo – Chán.

Chơi trò Cân bằng đá tại Bến Lội
  1. Đầm Môn

Một nửa vòng vịnh Vân Phong từ trung tâm Nha Trang đến Đầm Môn qua nhiều địa danh có tiếng như đầm Nha Phu, Đèo Rọ, Đèo Đá Trắng, Đèo Cổ Mã, theo đê cát nối đảo (khoa học địa mạo gọi là tombolo) đến thôn Đầm Môn (Bán đảo Đầm Môn), xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh. Tại đây sinh viên nghe thày Phúc (Viện Thủy sản Nha Trang) giảng về nuôi trồng thủy sản và vấn đề môi trường. Đầm Môn đẹp, nước biển xanh trong, đảo có rừng nguyên sinh bao kín, làng chài trên biển êm đềm, nhưng rác rưởi khủng khiếp quá. Từ Nha Trang đến Đầm Môn mất hơn hai giờ; hơn nữa chưa có điểm dừng để sinh viên tiếp cận tài nguyên biển? – Quá xa.

Đầm Môn đẹp – Biển xanh, đảo xanh, trời xanh, mây trắng
  1. Đợi chờ

Vẫn đóng quân tại khách sạn năm ngoái (Thành Đạt). Khách sạn xuống cấp quá, năm nay còn tệ hơn, tầng trệt ẩm thấp, đổi lên tầng 3 thì nước nóng nhỏ giọt, vào bồn tắm cứ như trò chơi bập bênh của trẻ, tủ gỗ, cửa ra ban công kêu kẽo kẹt mỗi khi mở, đóng; máy lạnh cọt kẹt suốt đêm. Cô Tuyến xắp xếp, đổi chác phòng cũng thật vất vả; trách cô xong, thấy cô buồn, ái ngại quá – Xin lỗi cô.

Nhưng mệt nhất là xe vào và rời khách sạn. Năm nay Nha Trang cấm nhiều đường, mỗi lần vào, ra khách sạn như tổ chức một trận đánh. Thăm quan tại Viện Hải dương xong, mỗi xe xuất phát cách nhau 15 phút vì chỉ từng xe vào khách sạn đổ quân. Mất trọn 1 giờ, 5 xe mới đổ hết quân – Sốt ruột.

Để đi Đầm Môn đúng giờ, trưởng đoàn (thày Tự Thành) phải bố trí quân thành 5 cụm rải dọc đường theo số thứ tự xe. Xe đến là mọi người phải nhanh chóng lên. Kế hoạch hoàn hảo, đúng giờ – May.

Nhưng buổi sáng rời khách sạn là khổ nhất. 6:00 giờ trả phòng, 6:30 ăn sáng. Người ta qui định mỗi lần cho hai xe đón quân, sau khi hai xe rời khỏi khách sạn thì hai xe khác mới vào. 7:00 xe 2 và xe 3 đón quân, gần 8:00 xe 4 và 5 đón quân, gần 9:00 xe 1 mới rời khách sạn. Nơi đỗ xe chỉ cách khách sạn khoảng 2 km nhưng mỗi xe phải di chuyển gần 1 giờ đồng hồ. Vạ vật gần 3 giờ ở cửa khách sạn mới lên xe – Kinh.

Đi học hay đi xem hoa

180 sinh viên chia thành 20 nhóm, được tập huấn trước khi đi, được phổ biến nội qui, kỉ luật chuyến đi, trang bị an toàn, thái độ học tập…như các năm trước.

Nhưng năm nay thấy một lượng khá lớn sinh viên đi thực tập mà buồn: Đi dép lê vào mỏ bauxite, có người mặc váy leo đỉnh Langbiang, đến điểm khảo sát không bản đồ, ghe giảng không ghi nhật ký, chậm giờ xem như bình thường, rất ít câu hỏi thày, cô; thày cô hỏi lại cũng chẳng ai trả lời – đi học hay đi xem hoa nhỉ ?

Nói đến xem hoa, nhớ lại câu chuyện lúc Khoa Môi trường mới thành lập. Năm đó hình như là 2001, được ông trưởng khoa giao thiết kế lộ trình thực tập ngoài trời cho sinh viên Ngành Khoa học Môi trường, mặc dầu trước đó không có điều kiện tham gia chuyến khảo sát tiền trạm.

Đang tập trung chuẩn bị tài liệu cho chuyến thực tập thì ông phó khoa nói “mình đi cưỡi ngựa xem hoa thôi thày”. Nghe xong – nản, đành nói lại với ông trưởng khoa “nếu mà cưỡi ngựa xem hoa thì xin thôi”.

Lời kết

Khoa học Môi trường là khoa học liên ngành. Thiết kế một lộ trình thực tập ngoài trời để đáp ứng tính liên ngành thực sự không đơn giản. Phải mất nhiều thời gian, nguồn lực mới có được một chương trình thực tập như ngày nay, tất nhiên vẫn cần phải điều chỉnh, bổ sung.

Hàng năm, sau chuyến thực tập, nhận được mail của sinh viên “cảm ơn thày, cô về chuyến thực tập bổ ích” thấy vui vui. Năm ngoái, lớp 14_KMT cũng 180 sinh viên, nhưng các bạn học tập, kỷ luật, hoạt động ngoại khóa đều rất tốt, thày cô thật sự phấn khích.

Những năm trước đây, Thực tập Môi trường Đại cương cũng thường vào cuối tháng 7, sinh viên có 1 tháng hè nghỉ ngơi, vào học kỳ mới sinh viên có vài tháng chuẩn bị, cùng làm việc với thày cô hướng dẫn trước khi làm bài thi.

Năm ngoái và năm nay, nghe nói điểm vào kỳ này kỳ kia thế nào đấy?, đầu tháng 9 là phải có điểm môn học, sinh viên chỉ có 1 tháng chuẩn bị, lại vào lúc nghỉ hè, vậy chất lượng môn học thế nào thì đã biết rồi ?.

Số lượng sinh viên đông gần gấp 2 so với những năm trước, thái độ học tập và kỷ luật giảm, thời gian chuẩn bị bài giảm – phải chăng tinh thần “CƯỠI NGỰA XEM HOA” đang trở lại ?.

Xem thêm ảnh:

Xí nghiệp Bauxit giải thể, thày trò ngồi bờ hè, nhà xe ăn cơm trưa
Mua đồ thổ cẩm cho đồng bào
Lên đỉnh Radar nhanh nhất
Lên đỉnh Radar – nhất đồng đội nữ
Trượt lở đường đèo Bidoup – Khánh Lê
Bà chủ quán Chân Đèo thay ông chủ (nhà thơ Nguyễn Luật) tiếp khách
Rác bãi biển Đầm Môn

H & H

Một suy nghĩ 1 thoughts on “VỀ ĐỢT THỰC TẬP MÔI TRƯỜNG ĐẠI CƯƠNG NĂM 2017

  1. Dũng Huỳnh Bá

    Chào quý thầy cô,

    Đọc bài viết cảm nhận của thầy Hải mà nhiều điều tiếc quá ạ. Nhớ năm nào, chuyến thực tập môi trường đại cương này đem lại cho lớp 13KMT em nhiều điều, từ những sự háo hức cho đến những điều mới mẻ mà tụi em học được. Và có lẽ lớp em cũng có những sai sót cũng khiến thầy cô không hài lòng. Nhưng đó thật sự là khoảng thời gian đáng nhớ trong quãng đời sinh viên tại Khoa Môi Trường, đặc biệt là bộ môn Khoa Học Môi Trường ạ. Cám ơn quý thầy cô đã bỏ ra nhiều tâm huyết, công sức để cho sinh viên tụi em những chuyến hành trình bổ ích, học hỏi thêm được rất nhiều điều. Em xin chân thành cám ơn ạ.

    Đọc bài thầy Hải xong, em chợt cảm xúc và viết đôi lời thôi ạ.

    Bá Dũng

Gửi phản hồi cho Dũng Huỳnh Bá Hủy trả lời