Ô NHIỄM FLUORIDE TRONG NƯỚC NGẦM VÀ ĐÁNH GIÁ PHƠI NHIỄM FLUORIDE CHO NGƯỜI DÂN HUYỆN TÂY SƠN, TỈNH BÌNH ĐỊNH

Phan Như Nguyệt

Nước là một thành phần thiết yếu của cuộc sống, nước có vai trò vô cùng quan trọng và lợi ích to lớn, nhưng nó cũng là nguồn gây bệnh cho con người nếu nguồn nước đó bị ô nhiễm. Ngày nay, khoảng 80% các bệnh trên thế giới có nguyên nhân từ nguồn nước uống kém chất lượng.

Ô nhiễm Fluoride trong nước uống chiếm tới 65% trong tất cả các nguyên nhân gây ra hiện tượng nhiễm độc Fluoride răng trên thế giới hay còn gọi là bệnh Fluorosis – là bệnh gây ra do sử dụng nước uống có nồng độ Fluoride cao làm răng bị nhiễm độc mãn tính bởi tác nhân Fluoride. Biểu hiện của bện này là sự xuất hiện những đốm nâu, đen trên răng và có thể hình thành các mảng, lỗ gây hại cho men răng) [7] [3]. Fluoride là một vi chất dinh dưỡng tham gia vào các quá trình phát triển răng, tạo ngà răng và men răng [2].

Fluoride trong nước uống được biết đến với cả ảnh hưởng có lợi và có hại cho sức khỏe con người, thừa hay thiếu Fluoride đều có hại cho cơ thể [6]. Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì giá trị giới hạn của Fluoride trong nước uống là 1.5 mg/L [7]. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nước chứa khoảng 1.2 mg/L Fluoride có thể làm chắc men răng. Nếu hàm lượng Fluoride thấp hơn 0.5 mg/L có thể dễ mắc các bệnh sâu răng [4] [5]. Ngược lại, khi hàm lượng Fluoride cao trên 1.5 mg/L có thể gây ăn mòn men răng, giòn và mục răng, làm đen răng hoặc đốm răng, ảnh hưởng đến thận và tuyến giáp [7]. Hàm lượng Fluoride trên 4 mg/L còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ xương và có thể gây ung thư [7] [1].

Ở Việt Nam nói chung, Bình Định nói riêng, việc nghiên cứu về Fluoride và các vấn đề liên quan chưa được thực hiện nhiều. Nhận thức của cộng đồng về Fluoride và tác hại của nó còn hạn chế. Vấn đề Fluorosis răng chưa được quan tâm đúng mức.

Nghiên cứu này được thực hiện tại huyện Tây Sơn – một huyện trung du nằm về phía Tây Nam của tỉnh Bình Định. Tại vùng này, tình trạng vàng, đen răng đã và đang tiếp diễn tại các xã Tây Phú, Bình Tường và Tây Giang, gây tác hại cho cộng đồng cả về sức khỏe và thẩm mĩ. Ảnh hưởng rõ rệt nhất là biểu hiện lên răng với nhiều mức độ khác nhau. Sức khỏe của người dân đang bị đe dọa từng ngày. Từ bao đời nay người dân địa phương vẫn rất mặc cảm về hàm răng đen và khát khao một nguồn nước sạch. Với những thực tế trên, việc xác định nồng độ Fluoride trong nước ngầm và đánh giá phơi nhiễm với Fluoride đối với người dân tại các xã này là rất cần thiết.

Nghiên cứu tiến hành xác định nồng độ Fluoride trong nước ngầm và đánh giá phơi nhiễm Fluoride qua nước uống cho ba nhóm tuổi khác nhau. Tổng số 50 mẫu nước giếng (Hình 1) được thu thập và 220 người dân từ 50 hộ gia đình ở ba xã Tây Phú, Bình Tường, Tây Giang huyện Tây Sơn được khảo sát bằng bảng câu hỏi. Fluoride trong các mẫu nước được xác định bằng phương pháp sắc ký ion (Ion Chromatography) tại Phòng thí nghiệm phân tích môi trường, Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh.

Hình 1: Bản đồ vùng nghiên cứu và vị trí lấy mẫu

Kết quả cho thấy nồng độ Fluoride trong nước giếng biến động trong khoảng từ 0.31 mg/L đến 7.69 mg/L (trung bình 2.66 mg/L, độ lệch chuẩn SD: 2.18 mg/L) với 70% số mẫu có hàm lượng Fluoride vượt quá giới hạn cho phép 1 mg/L theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ngầm (QCVN 09:2008/BTNMT). Như vậy, nước ngầm trong vùng nghiên cứu bị ô nhiễm Fluoride trầm trọng.

Phơi nhiễm với Fluoride được thực hiện trên 3 nhóm tuổi theo hướng dẫn của cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (US EPA). Liều lượng phơi nhiễm cực đại với Fluoride là 0.721 mg/kg/ngày ở nhóm trẻ em dưới 6 tuổi; 0.530 mg/kg/ngày cho nhóm tuổi 6 – 12 và 0.320 mg/kg/ngày cho nhóm người trưởng thành. Liều phơi nhiễm này đều cao hơn liều lượng thấp nhất có thể gây hại (LOAEL) là 0.1 mg/kg/ngày (WHO, 1984). Như vây rủi ro sức khỏe do bệnh nhiễm độc Fluoride đối với người dân huyện Tây Sơn là tất yếu xảy ra.

Có thể thấy ô nhiễm Fluoride trong nước ngầm tại vùng nghiên cứu là ở mức cao, trên diện rộng và đáng báo động với 58% số mẫu có hàm lượng Fluoride vượt quá giới hạn cho phép 1.5 mg/L (WHO). Những nơi có hàm lượng Fluoride cao đáng chú ý là thôn Hòa Sơn, Hòa Hiệp, Hòa Trung (xã Bình Tường), thôn Phú Thọ (xã Tây Phú) và thôn Tả Giang 1 (xã Tây Giang) đều có nồng độ Fluoride trung bình vượt quá giá trị giới hạn tối đa cho phép là 1.5 mg/L của Bộ Y tế (QCVN 01:2009/BYT, QCVN 02:2009/BYT). Mức phơi nhiễm với Fluoride của người dân sống trong vùng này là rất trầm trọng. Toàn bộ người dân trong vùng đều có mức liều hấp thụ vượt chuẩn của WHO. Vì vậy, cần có những nghiên cứu và hướng giải quyết kịp thời để bảo vệ sức khỏe người dân.

Hình 2: Tác động của nước giếng đến các vật dụng trong gia đình
Hình 2: Tác động của nước giếng đến các vật dụng trong gia đình
Hình 3: Tình trạng nhiễm fluoride trên răng của người dân vùng nghiên cứu
Hình 3: Tình trạng nhiễm fluoride trên răng của người dân vùng nghiên cứu

Tài liệu tham khảo:

[1]      G. T. Chae, Yun, S. T., Mayer, B., Kim, K. H., Kim, S. Y., Kwon, J. S., Kim, K. & Koh, Y. K. 2007. Fluorine geochemistry in bedrock groundwater of South Korea. Science of The Total Environment, 385, 272-283.

[2]      S. Chouhan & Flora, S. 2010. Arsenic and fluoride: two major ground water pollutants. Indian journal of experimental biology, 48, 666.

[3]      A. J. Felsenfeld & Roberts, M. A. 1991. A report of fluorosis in the United States secondary to drinking well water. JAMA: the journal of the American Medical Association, 265, 486-488.

[4]      K. F. Fung, Zhang, Z. Q., Wong, J. W. C. & Wong, M. H. 1999. Fluoride contents in tea and soil from tea plantations and the release of fluoride into tea liquor during infusion. Environmental Pollution, 104, 197-205.

[5]      M. Grimaldo, Borjaaburto, V. H., Ramirez, A. L., Ponce, M., Rosas, M. & Diazbarriga, F. 1995. Endemic Fluorosis in San-Luis-Potosi, Mexico .1. Identification of Risk-Factors Associated with Human Exposure to Fluoride. Environmental Research, 68, 25-30.

[5]      B. Shomar, Muller, G., Yahya, A., Askar, S. & Sansur, R. 2003. Fluorides in groundwater, soil and infused black tea and the occurrence of dental fluorosis among school children of the Gaza strip. J Water Health, 2, 23-35.

[6]      G. Viswanathan, Jaswanth, A., Gopalakrishnan, S., Siva Ilango, S. & Aditya, G. 2009. Determining the optimal fluoride concentration in drinking water for fluoride endemic regions in South India. Science of The Total Environment, 407, 5298-5307.

[7]     World Health Organization (WHO), 1984. Environmental Health Criteria 36. Fluorine and Fluoride (pp. 77). Geneva, Switzerland.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s