Ngẫm vài điều sau thảm họa bãoTrung Bộ 2020

1. Tổn thất

 “242 người chết và mất tích, trên 200.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái; nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nghiêm trọng, phải mất rất nhiều thời gian, nguồn lực mới phục hồi, tái thiết lại được. Tổng thiệt hại kinh tế do bão lũ trong thời gian qua gần 28.800 tỷ đồng”. [1]

“Thiệt hại do bão lũ rất nặng nề, 235 người chết và mất tích. Trên 201.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái. Thiệt hại khoảng 17.000 tỷ đồng.” [2]

“chưa bao giờ bão lũ miền Trung khủng khiếp như vừa rồi. 249 người chết, 57 người mất tích, hơn 1.500 ngôi nhà bị sập đổ; gần 240.000 ngôi nhà khác bị hư hỏng, tốc mái”. “Nông nghiệp tổn thương nghiêm trọng với 4.000 ha lúa, 7.600 ha hoa màu, 12.670 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại; 38.500 gia súc, 3.200.000 gia cầm bị chết; 165 km đê biển, cửa sông, 50 km kè bị hư hỏng; 88 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài là 141 km. Tổng thiệt hại ước tính 30.000 tỷ đồng”. [3]

Thống kê trên có sự khác nhau, có thể chưa phải là con số cuối cùng; nhưng cho thấy bão, lũ, trượt lở đất…đã gây tổn thất rất lớn về người và của.

2. Quá trình tự nhiên

Trái đất là một hành tinh động với các dòng năng lượng khác nhau từ: (1) bên trong Trái đất, (2) Mặt trời, (3) lực hấp dẫn và (4) tác động với các tiểu hành tinh và sao chổi. Edinburgh, James Hutton, tin rằng Trái đất là một siêu sinh vật, ông gọi các đại dương là trái tim của Trái đất, rừng là lá phổi. James Lovelock đã giới thiệu giả thuyết Gaia – ý tưởng về một Trái đất sống. [4]

Như vậy: lũ lụt, động đất, phún xuất núi lửa, trượt đất… là các hiện tượng phát sinh từ các quá trình tự nhiên là những hoạt động của một “cơ thể sống”. Cung cấp nhiên liệu cho quá trình này chính là một trong các dòng năng lượng nêu trên.

3. Tai biến tự nhiên

Cụm từ “Tai biến tự nhiên” được sử dụng khi các quá trình tự nhiên gây thiệt hại nhân mạng và tài sản. Ví dụ, một vụ phun trào núi lửa, không ảnh hưởng đến con người là một hiện tượng tự nhiên mà không phải là một “tai biến tự nhiên”. Một hiện tượng tự nhiên xảy ra trong khu vực đông dân cư là một sự kiện tai biến. [5]

4. Thảm họa tự nhiên

Một sự kiện tai biến gây ra số lượng lớn người chết không thể chấp nhận được và/hoặc thiệt hại lớn về tài sản là một thiên tai. [5]  Theo [6], 10 người trở lên thiệt mạng hoặc 100 người trở lên bị ảnh hưởng  được coi là một thảm họa tự nhiên.

5. Con người làm gia tăng thảm họa tự nhiên

Trong thời đại bùng nổ thông tin, sự gia tăng số lượng thảm họa một phần là do báo cáo tốt hơn, nhanh hơn đến cộng đồng, nhưng cũng có các yếu tố khác [6]:

• Sự gia tăng dân số và đô thị hóa đang đặt nhiều người hơn vào những nơi mà các quá trình tự nhiên có thể tạo ra thảm họa cho con người. Ví dụ: các khu vực dọc theo bờ biển nơi có thể xảy ra xói mòn hoặc sóng thần; dọc theo các đứt gãy đang hoạt động, gần núi lửa hoặc các khu vực dễ bị lũ lụt.

• Phá hoại môi trường, chẳng hạn như phá rừng sẽ làm tăng tần suất và những vị trí tiềm ẩn tai biến tự nhiên, chẳng hạn như lũ lụt và sạt lở đất; việc loại bỏ các vùng đất ngập nước ven biển và các thảm thực vật khác làm cho bờ biển dễ bị xói mòn do sóng thần và các cơn bão khác.

• Biến đổi khí hậu liên quan đến mực nước biển dâng cao làm tăng xói mòn bờ biển. Khi hành tinh ấm lên, các sa mạc mở rộng, làm tăng sự xuất hiện của các cơn bão bụi nguy hiểm. Các đại dương ấm lên cho phép nhiều năng lượng hơn được chuyển vào khí quyển, ảnh hưởng đến cường độ của các cơn bão gây thiệt hại.

 “Mặc dù con người có thể làm ít hoặc không thể làm gì để thay đổi tần suất hoặc cường độ của hầu hết các hiện tượng tự nhiên, nhưng họ có một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng các sự kiện tự nhiên không bị chuyển đổi thành thảm họa do các hành động của chính họ. Điều quan trọng là phải hiểu rằng sự can thiệp của con người có thể làm tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các tai biến tự nhiên.” [7]  

6. Thảm họa bão Trung Bộ

Nhiều người gọi thiên tai miền Trung năm 2020 là “bão lũ”. Gọi như vậy mới thể hiện hai dạng tai biến. Thực ra, ở Trung Bộ vừa qua xuất hiện nhiều dạng tai biến bao gồm: bão, lũ lụt, xói lở bờ biển, trượt đất, lũ bùn đá, lũ quyét …

Trong chuỗi các tai biến trên, bão là tai biến sơ cấp, các tai biến khác là tai biến thứ cấp. Bão gây xói lở bờ biển, sâp nhà, bão gây mưa, đến lượt mình mưa gây trượt đất, lũ bùn đá, lũ quyét, ngập lụt…

7. Rừng

Rừng tự nhiên nhiều tầng, nhiều tán, đa dạng chủng loại như một hệ thống điều chỉnh dòng chảy, neo giữ sườn đồi… hạn chế xói mòn, trượt, lở đất. Rừng trồng một loại cây khi gặp bão như quân cờ domino, cây đổ trên một diện rộng. Rừng trồng mỗi lần khai thác núi, đồi lại trơ trọi.

Triền đồi cạnh nhà máy (thủy điện Rào Trăng) bị đốn cây và đốt trụi, các vết trượt trên sườn đồi (núi) và dọc đường vào nhà máy. Ảnh Mai Thanh Hải. [8]
Trạm kiểm lâm 67 sau thảm họa. Ảnh VTV. [9]

8. Gỗ

Tháng 4/2019, rừng tự nhiên tại khoảnh 6,7 – Tiểu khu 790 thuộc xã Trà Leng huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nạm bị đốn hạ (địa phương xảy ra vụ sạt lở đất vùi lấp 53 người ngày 28/10/2020). (Ảnh: IT). [10]
Tìm kiếm thi thể nạn nhân ở Trà Leng. [11]
Tìm kiếm thi thể nạn nhân ở Trà Leng. [12]

8. Cắt sườn núi, đồi

Mọi công trình nhân sinh (nhà máy thủy thiện, giao thông…) đều cắt vào sườn núi, sườn đồi. Hoạt động này sẽ kích thích quá trình trượt đất, lở đất…

Các vết trượt hình thành dọc theo tuyến đường, tại các điểm xây dựng công trình phục vụ thủy điện Rào Trăng 3. [Nguồn Google Earth]

9. Thủy điện nhỏ

“Nhìn chung đa số các thủy điện vừa và nhỏ (dưới 30 MW)”. “Việc chặt phá rừng để làm thủy điện (khoảng 10 – 30 ha rừng bị phá cho 1MW điện) làm giảm khả năng điều tiết lũ tự nhiên”. [13]

Có người cho rằng  thủy điện nhỏ không gây ra lũ mà còn góp phần cắt lũ.  [14]

Đúng, có thể cắt lũ 1 năm, 2 năm..10 năm, còn lũ 20 năm như 1999 và 2020 thì chắc không.

7. ĐTM

Dự án nào cũng có ĐTM (Đánh giá Tác động Môi trường); chắc chắn rồi. Đặt những công trình ven lòng sông, lòng suối hẹp ngay chân sườn núi dốc có được cân nhắc về sự an toàn không?

“Khu vực thủy điện Rào Trăng 3 có địa hình phân cắt trung bình, hai bên bờ sông dốc và hẹp; mặt cắt thung lũng dạng chữ V, kéo dài theo phương á vĩ tuyến”. [15]

“Khu vực này có đứt gãy địa chất quy mô lớn cắt qua, đồng thời gần nơi giao nhau giữa đứt gãy Đrakrông – A Lưới với đứt gãy địa phương theo phương Đông bắc – Tây Nam”. [15]

“Dọc tuyến đường Thủy điện Alin – thủy điện Rào Trăng chỉ quan sát thấy đới phong hóa mạnh và hoàn toàn; bề dày từ 6 – 9 m. Đây là nơi quá trình trọng lực sườn xảy ra rất mạnh.” [15]

Công trình ngay chân sườn dốc, ven lòng sông suối hẹp tiềm ẩn rủi ro lớn. Ảnh Mai Thanh Hải. [8]
Kè bê tông mong manh trên lớp vỏ phong hóa dày sẽ làm tăng nguy cơ trượt lở sườn dốc. [8]
Thủy điện A Lin B2 cũng ngay chân núi dốc, ven thung lũng hẹp [Nguồn Google Earth]
Những kè bê tông trên sườn dốc tại Thủy điện A Lin B2 cũng tiềm ẩn rủi ro. [16]

8. Cảnh báo

“Khu vực trọng điểm nhà máy thủy điện A Lin 1 – Rào Trăng 3 đã được Đề án cảnh báo là khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá cao”. Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết ”tháng 6/2020, kết quả nghiên cứu trên đã được đơn vị chuyển cho UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế để cảnh báo nguy cơ sạt lở đất khi có mưa hoặc sau mưa lớn dài ngày”. [17]

“Nhóm nguyên nhân tác động kích hoạt gây trượt lở đất đá rõ ràng nhất là do mưa, cắt xẻ taluy cao và dốc để làm công trình, đường giao thông và lấy mặt bằng xây dựng nhà ở, làm mất cân bằng sườn dốc, dẫn đến nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá”. [17]

9. Cứu nạn

Tàu Viet ship 01 (neo ở khu vực cảng Cửa Việt) bị nạn ngày 8.10, trên tầu có 12 người.  Dùng 1 chiếc thuyền gỗ nhỏ cùng 4 ngư dân lao ra biển cứu nạn, nhưng “Thuyền cứu hộ đã bị chìm, toàn bộ người cứu hộ và thuyền viên đều qua tàu Vietship 01”. Những ngư dân thật dung cảm, nhưng cứu hộ kiểu này nhiều rủi ro.

Tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” của các thuyền viên bám trụ trên tàu Vietship 01. Ảnh Nguyễn Phúc. [18]

Công tác cứu hộ đã thành công khi sử dụng trực thăng.

Phương pháp cẩu người bằng dây từ tàu lên máy bay được triển khai [19]

Đi Rào Trăng 3 cứu nạn lại bị nạn

Đoàn công tác gồm 21 người đi kiểm tra, xác minh để có phương án cứu hộ, cứu nạn gặp nạn.

“Đoàn xuất phát lúc 14 giờ ngày 12-10 từ Huyện ủy huyện Phong Điền đi thủy điện Rào Trăng 3. Đến 16 giờ, đoàn đến ngầm tràn sâu trên đường 71, ô tô không qua được. Vì vậy, Đoàn để lại ô tô, đi bộ vào Thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 13 km. Đến 21 giờ cùng ngày, Đoàn đến tiểu khu 67, trạm Kiểm lâm Sông Bồ”. [20]

“Theo thông tin báo về tỉnh lúc 22 giờ ngày 12-10, Đoàn dừng nghỉ tại nhà Kiểm lâm. Lúc 0 giờ ngày 13-10 xuất hiện tiếng nổ lớn, núi, đất đá bị sụt đổ trùm lên nhà Kiểm lâm nơi Đoàn đang nghỉ. Thông tin ban đầu cho biết 8 người đã thoát được ra ngoài, 13 người hiện còn mất tích, trong đó có 11 cán bộ Quân đội và 2 cán bộ địa phương”. [20]

Theo như mô tả trên, có lẽ công việc chuẩn bị cho chuyến công tác chưa xét đến các yếu tố về thời gian, điều kiện thực địa (mưa to, đường xá bị lũ chia cắt, trượt lở đất…) và vị trí dừng chân ?. Chính vì vậy mà Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh những hoạt động cứu hộ, cứu nạn sau đó:

“Công tác cứu hộ cứu nạn phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, đừng để cứu hộ lại phải cứu hộ lần nữa”. [21]

10. Trượt đất, lở đất hay lũ bùn đá?

Tốc độ di chuyển và lượng nước chứa trong nó là hai nhân tố quan trọng để phân loại di chuyển khối.  Theo mô tả và thực tế công tác tìm kiếm nạn nhân có thể thấy phần lớn các tai biến tự nhiên vừa qua là trượt đất, lở đất (các thi thể nạn nhân được tìm thấy dưới các khối đất đá). Riêng ở Rào Trăng 3 và Trà Leng có thể là dòng lũ bùn đá xảy ra khi vật liệu vụn bão hòa nước. Dòng lũ cuốn theo nạn nhân xuống sông Rào Trăng và Trà Leng?

“Hơn 1,5 tháng, qua 3 giai đoạn tìm kiếm, tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 có  6 thi thể nạn nhân được tìm thấy, trong đó 1 thi thể trong lòng sông sau khi nắn dòng chảy. Giai đoạn 4 sẽ triển khai tìm kiếm dọc lòng sông Rào Trăng từ điểm sạt lở về ngã ba Tam Dần với chiều dài hơn 2,5 km để tiếp tục tìm kiếm 11 thi thể còn lại”. [22]

 “Việc tìm kiếm nạn nhân trong thảm họa Trà Leng cũng phải chuyển sang bằng đường thủy tại sông Leng và lòng hồ sông Tranh 2. Việc tìm kiếm thực sự khó khăn khi rác (củi, gỗ) ứ lại ở 2 khu vực này quá dày, khoảng 40cm phủ kín mặt hồ. Lực lượng phải chèo thuyền bằng tay vì máy xuồng bị rác cuốn không hoạt động được”. [23].

Xác định đúng kiểu tai biến sẽ giúp việc tìm kiếm nạn nhân hiệu quả hơn.

Sau nhiều giờ tích cực tìm kiếm trên lòng hồ sông Tranh 2 và sông Leng, lực lượng chức năng không tìm thấy nạn nhân [23]

Lời kết:

Bão, lũ lụt, trượt đất, lở đất, lũ bùn đá… là hiện tượng tự nhiên phát sinh từ các quá trình tự nhiên của trái đất – một hành tinh động ‘một cơ thể sống – Gaia’. Các quá trình này trở thành tai biến tự nhiên, thảm họa tự nhiên khi làm tổn thất sinh mạng và tài sản.

Con người là yếu tố làm gia tăng tần xuất và cường độ các tai biến, thảm họa tư nhiêm qua các hoạt động sử dụng đất thiếu cân nhắc như: phá rừng, cắt chân sườn dốc, đô thị hóa hay định cư tại nhưng nơi quá trình tự nhiên tiềm ẩn.

Dự báo chính xác thời điểm các quá trình bộc phát của các hiện tượng tự nhiên có thể chưa và không làm được. Nhưng dự báo vị trí và điều kiện kích hoạt để hiện tượng đó phát sinh là không khó, như trường hợp Thủy điện Rào Trăng 3 đã được cảnh báo. Như vậy, tốt nhất là tránh các vị trí này thay vì xây dựng hệ thống cảnh báo.

Thủy điện Rào Trăng 3 công suất 13MW đã lấy đi 13 ha rừng tự nhiên, thảm họa xảy ra mất 30 sinh mạng, hơn 2.600 lượt người và gần 2.000 lượt phương tiện các loại đã được điều động tham gia tìm kiếm các nạn nhân mất tích… [24]. Đến nay có người vẫn đặt câu hỏi “Dừng hay tiếp tục” ? [25].

H.Q. H

Nguồn dẫn:

[1] http://kttvqg.gov.vn/kttv-voi-san-xuat-va-doi-song-106/bao-lu-gay-thiet-hai-28-800-ty-dong-tai-mien-trung-7926.html.

[2] (http://congan.com.vn/tin-chinh/kip-thoi-ho-tro-nguoi-dan-sua-chua-nha-cua-sau-bao-lu_102429.html

[3] https://vnexpress.net/thiet-hai-mua-lu-mien-trung-khong-the-tinh-bang-con-so-4198643.html

[4] http://humansarefree.com/2014/05/according-to-researchers-gaia-is-living.html

[5] Burton, I., Robert W. Kates and Gilbert F. White. The Environment as Hazard (New York: Oxford University Press, 1978).

[6] Edward A. Keller. Introduction to Environmental Geology. Fifth Edition. 20012 by Pearson Education, Inc.

[7] https://www.oas.org/dsd/publications/unit/oea54e/ch05.htm

[8] https://thanhnien.vn/thoi-su/thuy-dien-rao-trang-3-nhin-tu-truc-thang-quan-su-1292016.html

[9] https://afamily.vn/dau-xot-hinh-anh-tram-kiem-lam-gan-thuy-dien-rao-trang-3-truoc-va-sau-khi-lu-tran-qua-khong-con-gi-ngoai-dat-da-tieng-goi-con-ai-khong-mai-khong-duoc-dap-loi-20201014173013173.chn

[10] https://baodantoc.vn/sat-lo-dat-thien-tai-va-nhan-tai-mat-rung-tu-nhien-va-cai-gia-phai-tra-bai-3-1604138474366.htm

[11] https://laodong.vn/photo/toan-canh-sat-lo-kinh-hoang-o-tra-leng-lam-8-nguoi-chet-14-nguoi-mat-tich-850373.ldo

[12] https://thanhnien.vn/thoi-su/tra-leng-noi-dau-con-dai-1299255.html

[13] http://vacne.org.vn/lu-lut-o-cac-vung-cua-song-mien-trung/21583.html

[14] https://vnexpress.net/tranh-cai-tac-dong-cua-thuy-dien-nho-toi-mua-lu-4184489.html

[15] https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/rao-trang-3-tung-duoc-canh-bao-sat-lo-the-nao-3420737/

[16] https://vnexpress.net/hien-truong-sat-lo-o-thuy-dien-rao-trang-3-4176720.html

[17] https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/rao-trang-3-tung-duoc-canh-bao-sat-lo-the-nao-3420737/.

[18] https://thanhnien.vn/thoi-su/nghet-tho-giai-cuu-thuyen-vien-tau-vietship-01-1289928.html

[19] https://kenh14.vn/chuyen-ve-3-ngay-dem-cuu-ho-thuyen-vientren-tau-vietship-01-20201013110835814.chn

[20] https://nld.com.vn/thoi-su/vu-thuy-dien-rao-trang-3-13-nguoi-mat-lien-lac-ngay-sau-tieng-no-lon-luc-0-gio-2020101323052605.htm

[21] https://laodong.vn/xa-hoi/thuy-dien-rao-trang-3-cong-tac-cuu-ho-toi-day-phai-tuyet-doi-an-toan-845688.ldo

[22] https://bnews.vn/chuan-bi-ky-phuong-an-giai-doan-4-tim-nan-nhan-mat-tich-o-rao-trang-3/179881.html

[23] https://nld.com.vn/thoi-su/sat-lo-tra-leng-tam-ngung-tim-kiem-nan-nhan-bang-duong-thuy-20201101164753232.htm

[24] https://bnews.vn/chuan-bi-ky-phuong-an-giai-doan-4-tim-nan-nhan-mat-tich-o-rao-trang-3/179881.html

[25]https://www.tienphong.vn/xa-hoi/dung-hay-tiep-tuc-du-an-thuy-dien-rao-trang-3-1754170.tpo

Bình luận về bài viết này