Hội thảo khoa học: Nhận diện giá trị di sản địa chất Núi Thành

Ngày 3/8, tại Hội trường 1, UBND huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra Hội thảo khoa học “Nhận diện giá trị di sản địa chất tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam”. Hội thảo nhằm đánh giá tiềm năng di sản địa chất huyện Núi Thành làm cơ sở cho việc đề xuất giải pháp bảo tồn và tiền đề cho việc lập hồ sơ đề nghị xét công nhận Công viên địa chất.

Hội thảo khoa học: Nhận diện giá trị di sản địa chất tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam

Hội thảo gồm 14 tham luận khoa học, trong đó 10 tham luận về địa chất, còn lại là về văn hóa, du lịch và bảo tồn. Dưới đây là trích dẫn một số nội dung về giá trị di sản địa chất từ một số tham luận của các tác giả.

Nguyễn Xuân Bao, Trịnh Long “Các vết lộ đá biến chất phức hệ Khâm Đức-Núi Vú ở Tam Hải và Tam Quang – di sản địa chất quí báu của huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam”

Huyện Núi Thành có nhiều vết lộ tiêu biểu, rất đẹp và dễ tiếp cận nhất của phức hệ biến chất Khâm Đức – Núi Vú. Trong thành phần của phức hệ biến chất này có các tổ hợp đá của vỏ đại dương Proto-Tethy, cung đảo Núi Vú có tuổi từ Neoproterozoi đến Ordovic và tổ hợp đá tạo núi và mảng granit gneis kiểu S phức hệ Chu Lai tuổi Ordovic muộn-Silur sớm (O3 – S1).

Các đá của phức hệ Khâm Đức – Núi Vú đều bị biến dạng và biến chất chủ yếu vào cuối Ordovic và lặp lại sau đó trong kiến sinh Indosini vào Pecmi muộn – Trias (P3 – T).

Phức hệ biến chất Khâm Đức – Núi Vú với ophiolit Hiệp Đức và granit gneis phức hệ Chu Lai là chứng tích của hoạt động kiến tạo kiểu chúc chìm (subduction) và tạo núi va mảng (plate collision) vào Paleozoi sớm (tương ứng với hoạt động tạo núi Caleodoni ở Bắc Âu) mà trước đây chưa từng được mô tả ở khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra, ở huyện Núi Thành còn có các trầm tích Holocen tướng biển và các dạng địa hình bờ biển rất đặc trưng. Các di sản địa chất nói trên có giá trị khoa học và giáo dục đặc sắc phân bố khá tập trung ở khu vực các xã Tam Hải và Tam Quang nên vùng này rất xứng đáng được lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.

Chu Văn Ngợi “Tiềm năng di sản địa chất và nhân văn huyện Núi Thành”

Giá trị địa chất nổi bật bởi những đặc điểm sau:

Các điểm lộ đá cổ độc đáo và hiếm có. Các đá thuộc hệ tầng Khâm Đức và Núi Vú là đá biến chất lộ trên diện rộng (ở Tam Quang, Tam Hải, Hòn Dứa, Hòn Mang) thể hiện rõ: màu sắc từ xám đen đến lục, cấu tạo phân phiến, vi uốn nếp, cấu tạo khúc dồi, mặt trượt…

Có dạng địa hình độc đáo, hấp dẫn: Bờ biển vách dốc đứng với hệ thống phá hủy trẻ (30o < 80o). Các đảo có bề mặt bằng phẳng với độ cao khác nhau.

Là nơi ghi nhận các kết quả tương tác sông biển: Quá trình đảo nối bờ (Hòn Bàn Than nối bờ), quá trình hình thành doi cát chạu song song với bờ tạo sông Trường Giang.

Có những di sản nhân văn tiêu biểu: Lưu dữ mô hình làng quê Việt Nam về kiến trúc cũng như tập quán mang đậm nét một làng quê ven biển; có rừng dừa, có vườn cây đa dạng, có giếng trong mát với niên đại hàng nghìn năm. Ngoài ra có nghĩa địa Cá Ông với hơn 400 ngôi mộ.

Tác giả kết luận:

  1. Các di sản trên có đủ điều kiện để xây dựng khu du lịch hấp dẫn nằm trên tuyến du lịch biển đảo: Cù Lao Chàm-Núi Thành-Đảo Lý Sơn, hoặc Hội An-Núi Thành-Bình Châu.
  2. Nếu theo phương án xây dựng công viên địa chất cần mở rộng phạp vi và cần nhận diện giá trị địa chất của các tổ hợp thạch kiến tạo trong hai thời kỳ lịch sử hình thành vỏ lục địa cổ từ Proterozoi giữa (PR2) đến Paleozoi sớm (PZ1) gồm các phức hệ Tà Vi, Chu Lai, Hiệp Đức, Núi Ngọc, Điện Bông và Trà Bồng, các hệ tầng Khâm Đức, Núi Vú, A Vương ở phía nam và phía tây huyện, ngoài ra cần liên kết với Thánh địa Mỹ Sơn nhằm đảm bảo qui mô đủ lớn để có đầy đủ cơ sở phát triển kinh tế du lịch.

Hà Quang Hải và nnk “Đề xuất nghiên cứu và thủ tục đánh giá geosite khu vực Núi Thành, tỉnh Quảng Nam”.

Để trở thành Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO, khu vực đề xuất phải có di sản địa chất (geosite) có giá trị quốc tế. Các di sản này được các chuyên gia thuộc “Nhóm đánh giá Công viên địa cầu của UNESCO” đánh giá. Dựa vào các nghiên cứu công bố được bình duyệt quốc tế, các chuyên gia khoa học thực hiện một đánh giá so sánh toàn cầu để xác định liệu các điểm địa chất có mang giá trị quốc tế hay không.

Khu vực Núi Thành cũng như nhiều khu vực khác trên lãnh thổ Việt Nam đã được nghiên cứu địa chất và khoáng sản theo các qui mô khác nhau, tuy vậy công việc kiểm kê, đánh giá các giá trị geosite chưa được thực hiện, dẫn đến tình trạng geosite bị suy thoái do không được bảo vệ, mặt khác gặp khó khăn trong việc lập hồ sơ đệ trình công nhận trở thành công viên địa chất do thiếu tài liệu khoa học.

Có sự đa dạng về địa chất, địa mạo nên Núi Thành có tiềm năng về geosite và đa dạng địa học. Để geosite tiềm năng trở thành các geosite có giá trị khoa học đạt tiêu chí khu vực, quốc gia hay quốc tế cần tiến hành triển khai việc nghiên cứu, đánh giá từng mặt giá trị khoa học và giá trị bổ sung của geosite. Đây là nhiệm vụ đầu tiên hướng đến xây dựng Công viên địa chất Núi Thành.

Tác giả đề xuất:

  1. Đơn vị chủ trì và đội ngũ chuyên gia:

– Một đơn vị khoa học chủ trì thực hiện

– Tập hợp 1 nhóm các chuyên gia của quốc gia

– Mời các chuyên gia đã nghiên cứu địa chất, địa lý trong khu vực tham gia

– Mời các chuyên gia về di sản địa chất quốc tế tư vấn

– Mời các chuyên gia trong những lĩnh vực khác (sinh thái, khảo cổ, lịch sử, văn hóa…) cùng tham gia.

  1. Thiết lập geosite tiềm năng

– Rà soát, đánh giá tài liệu địa chất đã thực hiện trong khu vực

– Lập danh sách các geosite tiềm năng, thu thập ý kiến phản hồi

– Nghiên cứu thực địa để xác định các geosite mới và đánh giá định tính giá trị khoa học của từng geosite trong danh sách các geosite tiềm năng dựa trên bốn tiêu chí: Tính toàn vẹn, Tính đại diện, Tính qúi hiếm và Giá trị cổ địa lý

– Bổ sung đầy đủ các dẫn liệu khoa học (thạch học, thạch hóa, tuổi…)

– Danh sách geosite cuối cùng kèm theo mô tả các đặc tính hoàn chỉnh.

  1. Đánh giá định lượng và lập hồ sơ geosite

– Đánh giá định lượng geosite về các giá trị khoa học và giá trị bổ sung

– Lập hồ sơ cho các site đã được chọn, đưa tất cả vào cơ sở dữ liệu geosite.

Trần Văn Trị và nnk “Tính đa dạng các di sản địa chất và khả năng xác lập công viên địa chất Núi Thành, tỉnh Quảng Nam”

– Sự tồn tại các di sản thiên nhiên và văn hóa đặc biệt là tính đa dạng của các di sản địa chất ở Núi Thành và các vùng kế cận là những tiền đề, chứng cứ quan trọng để xác lập công viên địa chất.

– Các tiêu chí của một công viên địa chất toàn cầu (UNESCO, 2005) là cần có một khu vực địa lý thống nhất kích thước đủ lớn từ vài trăm đến vài ngàn km2, có các di sản địa chất có ý nghĩa quốc tế cần được quản lý toàn diện đề bảo vệ, giáo dục, nghiên cứu khoa học và phát triển bền vững.

– Huyên Núi Thành tuy có diện tích 533,03 km2, có một số di sản thiên nhiên và văn hóa có giá trị nhưng các di sản địa chất hạn chế về tính đa dạng, tính giá trị nổi bật độc đáo của kiểu B (nham thạch), E (địa tầng), F (khoáng vật, khoáng sản), D (kiến tạo), H (địa chất kinh tế), v,v…Nếu bao gồm cả thành phố Tam Kỳ (92,02 km2), huyện Phú Ninh (251,47 km2) sẽ có tổng diện tích là 876,52 km2 không những tính đa dạng, phong phú của di sản thiên nhiên, văn hóa sẽ vượt trội hơn sẽ có tính thuyết phục hơn.

Tác giả đề xuất:

  1. Cần có một vài đề tài, đề án nghiên cứu khoa học xác định các di sản địa chất ở Núi Thành và các vùng kế cận (theo GILGES của UNESCO và phân loại của IUGS).
  2. Dựa vào kết quả nghiên cứu, sự phân bố, phân loại ưu tiên các kiểu di sản địa chất đặc biệt mỗi bậc có giá trị toàn cầu để phân định phạm vi công viên địa chất cả vùng lõi và vùng đệm.
  3. Thành lập ban quản lý có hiệu lực nhằm bảo tồn, khai thác phát triển bền vững kinh tế, xã hội nói chung đáp ứng được các nhu cầu nghiên cứu khoa học, văn hóa, giáo dục (UNESCO) của công viên địa chất này.
  4. Xây dựng bộ hồ sơ các di sản địa chất nói riêng và thiên nhiên văn hóa nói chung xác lập công viên địa chất theo đúng các tiêu chí của UNESCO để các cơ quan có thẩm quyền về khoa học, hành chính thẩm định, xét duyệt.

H & H

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s