Nguyễn Trường Ngân
1.Mở đầu
Theo Mạng lưới Dấu chân Toàn cầu (GFN), quá tải dân số (overpopulation) xảy ra khi nhu cầu của con người vượt quá khả năng cung cấp hoặc tái tạo tài nguyên của sinh quyển [4]. Quá tải dân số không chỉ phụ thuộc ở kích cỡ hay mật độ dân số, mà còn vào tỷ lệ giữa dân số so với khả năng cung cấp hay tái tạo tài nguyên trái đất khu vực đó. Một khi quá tải dân số xảy ra, sự tàn phá môi trường sẽ diễn ra nhanh hơn khả năng phục hồi của tự nhiên.
Phương pháp tính toán sự quá tải dân số phổ biến trên thế giới hiện nay là đo lường thông quá việc so sánh giữa Dấu chân sinh thái (Ecological Footprint) và Sức tải sinh học (Biocapacity) của một khu vực tại một thời điểm.
Dấu chân sinh thái (EF): Đo lường diện tích bề mặt đất và nước cần để sản xuất tất cả các tài nguyên cần thiết và hấp thụ toàn bộ chất thải của một cá nhân/địa phương/quốc gia tại thời điểm tính toán [5].
Sức tải sinh học (BC) Đo lường khả năng sản xuất các tài nguyên của đáp ứng nhu cầu của con người và hấp thụ chất thải do con người tạo ra của hệ sinh thái tại khu vực nghiên cứu vào thời điểm tính toán [5].
Dấu chân sinh thái và Sức tải sinh học đều được đo lường bằng đơn vị hecta toàn cầu (global hectare – gha) và đều căn cứ vào công nghệ khai thác và năng lực quản lý tài nguyên vào thời điểm tính toán tại khu vực nghiên cứu. Hecta toàn cầu (gha) là khả năng cung cấp sinh học của một loại đất quy ra năng suất sinh học trung bình trên thế giới tại một thời điểm. Ví dụ, đất trồng trọt có năng suất sinh học cao hơn đất đồng cỏ, do vậy, 1ha đất trồng trọt sẽ có diện tích lớn hơn 1ha đất đồng cỏ khi quy đổi sang gha. Tương tự vậy, đất trồng trọt ở Việt Nam có năng suất sinh học cao hơn đất trồng trọt ở Indonesia, do vậy khi quy đổi cùng một diện tích vật lý, đất trồng trọt tại Việt Nam sẽ có giá trị gha lớn hơn tại Indonesia.
Năm 2016, GFN đã đề xuất 5 thành phần để tính toán EF và BC cho quy mô quốc gia và khu vực, bao gồm: (i) trồng trọt và chăn nuôi, (ii) lâm nghiệp, (iii) thủy sản, (iv) xây dựng, và (v) phát thải carbon (hình 1)

Năm 2019, GFN công bố bản đồ thiếu hụt/dư thừa sinh học quy mô quốc gia cho 234 quốc gia và vùng lãnh thổ (hình 2). Từ kết quả tính toán, GFN đã kết luận: “Con người hiện đang sử dụng một lượng bằng 1,75 lần trái đất để cung cấp tài nguyên và chứa đựng chất thải. Điều này nghĩa là trái đất phải mất một năm và chín tháng để tái tạo lại những gì chúng ta sử dụng trong một năm”. Theo kết quả này, Việt Nam với tỷ lệ thiếu hụt – 110%, thuộc nhóm phân loại thiếu hụt cao (quá tải dân số cao).
Nghiên cứu này sử dụng số liệu thống kê của Tổng cục thống kê năm 2018 để tính toán Dấu chân sinh thái và Sức tải sinh học, từ đó phân tích mức độ quá tải dân số và thành lập bản đồ mức độ quá tải dân số. Việc tính toán chi tiết tới đơn vị hành chính cấp tỉnh (tỉnh, thành phố thuộc trung ương).
3.Phương pháp
Lưu đồ thu thập và xử lý số liệu được thực hiện qua các bước như hình 3.

Bước 1. Thu thập dữ liệu. Các dữ liệu thu thập ở 5 lĩnh vực sử dụng tài nguyên và 3 quy mô.
– Quy mô toàn cầu: hệ số quy đổi từ ha về gha (EQF) của các lĩnh vực sử dụng tài nguyên (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng) [4] và phát thải carbon [1].
– Quy mô cả nước: các số liệu về năng suất trung bình các lĩnh vực sử dụng tài nguyên [6] và hệ số phát thải carbon trung bình [1].
– Quy mô cấp tỉnh: số liệu về diện tích, tổng sản lượng, năng suất [6], [7].
– Bản đồ hành chính 63 tỉnh thành, tỷ lệ 1: 1.000.000.
Bước 2. Tính toán Dấu chân sinh thái (EF) theo công thức sau:
Bước 3. Tính toán Sức tải sinh học (BC) theo công thức
Các lĩnh vực để tính EF và BC sử dụng các số liệu thống kê như bảng sau:

Một số lưu ý trong tính toán EF và BC:
– Đối với lĩnh vực xây dựng: theo lý giải của GFN, do phần lớn đất xây dựng có nguồn gốc từ đất trồng trọt, do đó: YF xây dựng = YF trồng trọt và EQF xây dựng = EQF canh tác [4].
– Phát thải CO2: chỉ tính EF, giá trị BCCO2 = 0 [4].
Bước 4. Tính tỷ lệ thiếu hụt và phân cấp mức độ quá tải dân số (OD) theo công thức:
OD (%) sau đó được phân cấp thành 5 cấp độ như bảng sau:
4.Kết quả và thảo luận
Kết quả tính toán và biên tập được trình bày thành sản phẩm cuối như hình sau:

4.1. Dấu chân sinh thái EF
Dấu chân sinh thái của cả nước năm 2018 tính được là 95,35 triệu gha (tương đương 1,0 gha/người). Tỉnh có dấu chân lớn nhất là Hà Nội (4,5 triệu gha) và TP.HCM (4,3 triệu gha). Tỉnh có dấu chân nhỏ nhất là Bắc Kạn (0,35 triệu gha). Tuy nhiên, nếu tính dấu chân bình quân đầu người thì tỉnh có dấu chân lớn nhất là Tây Ninh (2,19 gha/người) và tỉnh có dấu chân nhỏ nhất là TP.HCM (0,5 gha/người).
4.2. Sức tải sinh học BC
Sức tải sinh học cả nước năm 2018 tính được là 54,74 triệu gha (tương đương 0,58 gha/người). Tỉnh có sức tải lớn nhất là Đăk Lăk (3,05 triệu gha). Tỉnh có sức tải nhỏ nhất là TP.HCM (0,2 triệu gha). Nếu tính sức tải bình quân đầu người thì tỉnh có sức tải lớn nhất vẫn là Đăk Lăk (1,59 gha/người) và tỉnh có sức tải nhỏ nhất vẫn là TP.HCM (0,02 gha/người).
4.3. Mức độ quá tải dân số
Xét tổng thể cả nước, tỷ lệ quá tải OD = -74,17%, mức độ quá tải trung bình. Kết quả tính toán này thấp hơn một cấp so với kết quả tính toán của GFN.
Chưa quá tải dân số (cấp I): có 8 tỉnh (Hà Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Đăk Lăk và Đắc Nông), chiếm 8,2% về dân số và 18,9% về diện tích của cả nước. Tỉnh có mức độ quá tải thấp nhất là Quảng Bình với giá trị OD là 31,25%.
Quá tải dân số rất cao (cấp V): có 11 tỉnh (Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Bắc Ninh, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bến Tre), chiếm 7,48% về diện tích nhưng lại chiếm đến 34,64% về dân số của cả nước. Tỉnh có mức độ quá tải cao nhất là TP.HCM với OD = – 2.400%.
5.Kết luận
Cũng như nhận định của GFN đối với thế giới, tại Việt Nam, Người dân hiện đang sử dụng một lượng bằng 1,75 lần diện tích lãnh thổ để cung cấp tài nguyên và chứa đựng chất thải. Điều này nghĩa là tự nhiên phải mất một năm và chín tháng để tái tạo lại những gì chúng ta sử dụng trong một năm.
Ở quy mô địa phương, TP.HCM đã sử dụng đến 25 lần khả năng của tự nhiên, nghĩa là tại đây, tự nhiên phải mất 25 năm để tái tạo lại những gì chúng ta đã sử dụng trong 1 năm. Con số này tương ứng ở Hà Nội là 5 năm.
Tài liệu tham khảo
[1] GCP, 2019, Fossil Fuels Emissions 2018, http://globalcarbonatlas.org/en/CO2-emissions
[2] GFN, 2016, How the Footprint Works, https://www.footprintnetwork.org/our-work/ecological-footprint/.
[3] GFN, 2019, Global Ecological Deficit/Reserve Map, http://data.footprintnetwork.org/#/?
[4] Lin, D., 2019. Working Guidebook to the National Footprint and Biocapacity Accounts, working paper, Version 1.3, Global Footprint Network.
[5] Schaefer, F., 2006. Ecological Footprint and Biocapacity: The world’s ability to regenerate resources and absorb waste in a limited time period, European Communities.
[6] Tổng cục thống kê, 2019, Niên giám thống kê Việt Nam, NXB. Thống kê.
[7] Tổng cục thống kê, 2020, Tư liệu kinh tế – xã hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, NXB Thống kê.