Một tháng, 15 vụ lở núi chết người ở miền Trung

Trong tháng 10, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam xảy ra 15 vụ sạt lở đất khiến 83 người chết và hy sinh, còn 32 người mất tích.

Đức Hùng – Tiến Thành

https://vnexpress.net/mot-thang-15-vu-lo-nui-chet-nguoi-o-mien-trung-4186427.html

Mưa lũ, xác xuất 1.000 năm và nguy cơ 1.200 quả bom nước

Hình ảnh xả tràn hồ Kẻ Gỗ. Ảnh Trần Tuấn

Dù được tính toán với xác xuất 1.000 năm mới có một lần phải phá tràn, nhưng sự biến hồ Kẻ Gỗ, với cả phương án phá tràn cho thấy những nguy cơ, những bất trắc ngày càng gần hơn. Trong khi cả nước có tới 1.200 hồ đập ở ngưỡng “nguy cơ mất an toàn”.

 “Nếu lũ tràn qua mặt đập hồ Kẻ Gỗ thì vô cùng nguy hiểm. Dù đập đất hay đập đá đều không được phép để nước lũ tràn qua trong bất cứ tình huống nào. Tràn qua là vỡ đập, là thành thảm họa” – Ngoặc kép là phát biểu của PGS.TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững Tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu.

Cần phải nhắc lại, trong đợt mưa lũ vừa qua, mực nước hồ Kẻ Gỗ hôm 19.10 đã lên tới 33,8m, tức là vượt qua ngưỡng an toàn 32,5m. Và Hà Tĩnh đã phải chuẩn bị phương án phá tràn. Nói nôm na, là chủ động chọn thiệt hại, để tránh thảm họa.

Có một chi tiết đáng chú ý: Việc phá tràn hồ Kẻ Gỗ, được thiết kế với tính toán theo xác xuất 1.000 năm mới có một lần.

Vận hành từ năm 1979, có nghĩa là không phải chờ đến xác xuất 1.000 năm, một xác xuất kiểu như loại bỏ khả năng phá tràn – thì nguy cơ đã đến. Rất gần.

Điều đó cho thấy mức độ khốc liệt, khó lường của thiên tai.

Và Kẻ Gỗ, với hiện hữu xác xuất thảm họa, cho thấy sự an toàn của các hồ đập không còn có thể trông mong vào tính toán thiết kế được nữa.

Chúng ta có một con số rất kinh khủng, được công bố trong Báo cáo giám sát của Ủy ban KH-CN và MT của QH: Có tới 1.200 hồ đập đang ở vào tình trạng hư hỏng, xuống cấp, nguy cơ mất an toàn rất cao.

Và chúng ta cũng đã có cảnh báo: 1.200 hồ đập này, như 1.200 quả bom nước, trong điều kiện thiên tai bất thường đến mức không thể đong đếm chính xác, đến mức vượt qua mọi tính toán.

70 sự cố hồ đập trong 10 năm. Con số ấy là quá nhiều, cho sự an toàn của người dân mà lý do hồ đập xuống cấp, ẩn họa nguy cơ “bom nước” vì thiếu tiền trở nên không thể chấp nhận được.

Sau sự biến, hồ Kẻ Gỗ “tạm an toàn”, vì may mắn, khi lượng mưa giảm đúng vào “phút 89”.

Nhưng nếu không từ sự biến hồ Kẻ Gỗ để nhìn ra những nguy cơ thực sự, khi thiên tai đưa xác xuất thiết kế nghìn năm trở thành lạc hậu, nhưng nếu vẫn để tồn tại lý do thiếu tiền đối với những nguy cơ, nhưng nếu vẫn trông chờ vào may mắn thì không có gì đảm bảo 1.200 nguy cơ kia sẽ không thành thảm họa vào một ngày nào đó.

An ninh nguồn nước, an toàn hồ đập… điều đó có ý nghĩa gì khi phải đánh đổi bằng sự an toàn, bằng tính mạng người dân?!

Đào Tuấn

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/mua-lu-xac-xuat-1000-nam-va-nguy-co-1200-qua-bom-nuoc-851111.ldo

Tháp Quỷ và 4 tảng đá nguyên khối kỳ lạ trên thế giới

Những tảng đá nguyên khối trên khắp thế giới đều là công trình tự nhiên độc đáo, gắn với các truyền thuyết ly kỳ. Các điểm đến này thu hút du khách ưa mạo hiểm.

Tháp Quỷ (Mỹ): Nằm ở bang Wyoming, Tháp Quỷ tồn tại suốt 50 triệu năm là địa danh nổi tiếng được nhiều du khách ghé thăm khi đến Mỹ. Ngọn núi có cấu trúc đá nguyên khối dạng cột đứng khổng lồ, hình thành do hoạt động của núi lửa. Tháp Quỷ cao khoảng 264 m, phần đỉnh khá bằng phẳng với diện tích lớn gấp đôi một sân bóng đá. Ảnh: Jansengunderson.

Điểm đến này từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người Mỹ. Nhiều du khách ưa mạo hiểm tìm đến đây để tham gia hoạt động leo núi, đi bộ đường dài hay trượt tuyết vào mùa đông. Tháp Quỷ được phát hiện vào năm 1893 và được Tổng thống Theodore Roosevelt tuyên bố là Đài tưởng niệm Quốc gia đầu tiên của nước Mỹ vào ngày 24/9/1906. Ảnh: Kai.desai, Wikimedia Commons.

Đá El Penol (Colombia): Cao hơn 200 m và rộng khoảng 110 m, El Penol được biết đến là tảng đá granite nguyên khối lớn nhất ở Colombia. Tảng đá tọa lạc ở độ cao hơn 200 m so với mặt đất và 2.135 m so với mặt nước biển là vật linh thiêng mà người Tahamí bản địa tôn thờ. Ngày nay, nơi này trở thành điểm đến hút khách bậc nhất Colombia. Dẫn lên đỉnh là 740 bậc thang gấp khúc độc đáo, thách thức du khách sợ độ cao. Ảnh: Pinterest.

Sigiriya (Sri Lanka): Cao nguyên đá Sigiriya được hình thành từ đá magma của ngọn núi lửa đã tắt, cao hơn 200 m so với địa hình rừng xung quanh và 370 m so với mực nước biển. Khu phức hợp pháo đài cổ tọa lạc trên đỉnh cao nguyên đá được người dân địa phương gọi là kỳ quan thứ tám thế giới. Không chỉ có tầm quan trọng đối với khảo cổ học, nơi này còn thu hút hàng nghìn du khách ghé thăm mỗi năm. Ảnh: Discover Sri Lanka.

Những khu vườn phía tây của cao nguyên đá có niên đại cổ xưa nhất trên thế giới với hệ thống thủy lợi phức tạp, gồm kênh đào, hồ, đập, cầu và hệ thống nước ngầm. Khu phức hợp cung điện và pháo đài được công nhận là một trong những ví dụ điển hình nhất về đô thị cổ đại. UNESCO tuyên bố Sigiriya là Di sản Thế giới năm 1982. Ảnh: Serendib_Leisure.

Uluru (Australia): Uluru là khối sa thạch khổng lồ nằm tại vườn quốc gia Uluru-Kata Tjuta. Đỉnh của tảng đá này cao 348 m so với mặt sa mạc xung quanh, và cao hơn 910 m so với mực nước biển. Tảng đá được xem là nơi linh thiêng đối với một tộc người bản địa. Hoạt động leo núi tuy thu hút du khách nhưng khá nguy hiểm và thường xuyên bị đóng cửa do điều kiện thời tiết. Từ ngày 26/10/2019, vườn quốc gia đã chính thức cấm du khách leo lên đỉnh núi đá cát. Ảnh: Getty.

Kyaiktiyo (Myanmar): Tọa lạc vững chãi bên mép một tảng đá vàng, chùa Kyaiktiyo là điểm du lịch nổi tiếng, thu hút rất nhiều du khách ghé thăm. Người ta tin rằng, nhờ có sợi tóc của đức Phật, hòn đá nơi chùa tọa lạc nằm yên trên vị trí cheo leo suốt hàng nghìn năm. Nhìn từ xa, ngôi chùa trông như chiếc vương miện lấp lánh mà chỉ cần ai đó chạm vào cũng có thể rơi xuống sườn núi ngay lập tức. Ảnh: Chanbrotherstravel.

https://news-zing.com/thap-quy%CC%89-va-4-ta%CC%89ng-da-nguyen-khoi-ky-la%CC%A3-tren-the-gioi.html

Hõm gặm mòn: BÀI BÁO ĐÃ ĐƯỢC CÔNG BỐ

Kính gửi thầy Hà Quang Hải,

Em là Linh Chi, sinh viên khóa 2014, được thầy hướng dẫn khóa luận về đề tài hõm gặm mòn.

Thưa thầy, sau nhiều vòng phản biện và vài thủ tục liên quan đến bản quyền, xung đột lợi ích,… thì bài báo cuối cùng cũng được công bố rồi thầy ạ. Đây là link đăng tải:

http://stdjns.scienceandtechnology.com.vn/index.php/stdjns/article/view/608

Thật là vui biết mấy! Em cảm ơn thầy đã hướng dẫn, truyền cảm hứng cho em về đề tài này và đến giờ, đây vẫn là nghiên cứu mà em thích nhất. Em thật mong sau này mình có thể làm tiếp và mở rộng nghiên cứu này.

Em kính chúc thầy ngày càng nhiều sức khỏe và em cảm ơn thầy vì tất cả.

Kính thư Chi Trần.

Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông – đánh thức vùng di sản nam Tây Nguyên

Mỹ An

Tháng 7.2020, tổ chức UNESCO đã thông qua quyết định công nhận Công viên địa chất Đắk Nông (Đắk Nông) là Công viên địa chất toàn cầu. Đây là cơ hội để Đắk Nông có thêm điều kiện tốt nhất để bảo tồn các di sản văn hóa, kết hợp phát triển kinh tế bền vững…

Thác Liêng Nung. Ảnh: Hà Thế Bảo

Công viên địa chất toàn cầu là danh hiệu dành cho một khu vực tự nhiên có ranh giới địa lý – hành chính rõ ràng, chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất tầm cỡ quốc tế có giá trị khoa học, giáo dục và thẩm mỹ, cùng các giá trị khác về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa, xã hội… Tất cả cùng được bảo tồn và phát huy giá trị một cách tổng thể.

Đây là Công viên địa chất toàn cầu thứ ba ở Việt Nam, sau Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) và Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng (Cao Bằng).

 

Hồ Tà Đùng. Ảnh: DaknongGeopark

Công viên địa chất là mô hình kết nối và tìm hiểu về sự hình thành của trái đất, thông qua hình thức du lịch địa chất. Là nơi du khách có cơ hội được tìm hiểu về nguồn gốc và đặc điểm cấu tạo của các dạng địa hình. Mô hình này đề cao công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân và du khách để sống chan hòa với thiên nhiên, biết trân trọng những giá trị và tài nguyên của tạo hóa. 

Công viên địa chất Đắk Nông nằm ở phía Tây Nam của vùng Tây Nguyên, đoạn cuối dãy Trường Sơn với ranh giới trải dài trên 5 huyện và 1 thị xã gồm huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’Long và thị xã Gia Nghĩa.

Là một phần của cao nguyên M’Nông nên thơ, hùng vĩ, Công viên địa chất Đắk Nông là nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực.

Thác nước D’ray Sáp. DaknongGeopark

Được hình thành từ triệu triệu năm trước do quá trình vận động của vỏ trái đất, song hệ thống hang động trong đá bazan khu vực Đray Sáp-Chư R’Luh chỉ mới được phát hiện từ năm 2007.

Hệ thống hang động núi lửa này đã được Hiệp Hội Hang động Núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài và tính độc đáo. Trong các hang động còn ẩn chứa nhiều điều bí mật về cơ chế thành tạo, các tổ hợp khoáng vật, đa dạng sinh học và di chỉ khảo cổ…

Vũ điệu cồng chiêng. Ảnh: Daknonggeopark

Trong khu vực Công viên địa chất còn có các di sản địa kiểu cổ sinh như các hóa thạch Cúc đá, các khuôn cây trong đá bazan; có các dãy núi cao phân bậc địa hình, các hồ nước tự nhiên đầy thơ mộng như hồ Ea Snô, hồ Trúc, hồ Tây… các miệng núi lửa độc đáo và đặc trưng như Chư R’luh, Nâm Kar, Băng Mo…. và hệ thống các thác nước đẹp, hùng vĩ như thác Gia Long, thác Băng Rúp, Dray Sáp…

Công viên địa chất Đắk Nông còn là khu vực có bề dày văn hóa, lịch sử, với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như: Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; di tích cấp quốc gia đặc biệt Đường mòn Hồ Chí Minh và 5 di tích cấp quốc gia khác như: Ngục Đắk Mil, Căn cứ kháng chiến B4 – Liên tỉnh IV, Di tích lịch sử lưu niệm N’Trang Gưh, Địa điểm Chiến thắng Đồi 722 – Đắk Sắk, Địa điểm bắt liên lạc khai thông đường Hồ Chí Minh đoạn Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ.

Thác Liêng Nung. Ảnh: Hà Thế Bảo

Với nhiều trầm tích văn hóa, sự hoang sơ độc đáo của Công viên địa chất toàn cầu chắc chắn sẽ hấp dẫn du khách, là cơ hội để phát triển kinh tế – du lịch. Tuy nhiên cũng đặt ra cho địa phương này trách nhiệm nặng nề trong quá trình bảo tồn và khai thác để đảm bảo không tác động tiêu cực vào thiên nhiên, nhưng đồng thời tạo được sức hút lớn để phát triển kinh tế.

https://dulich.laodong.vn/diem-den/cong-vien-dia-chat-toan-cau-dak-nong-danh-thuc-vung-di-san-nam-tay-nguyen-831347.html

Thế giới trong mắt nhiếp ảnh gia biết bay

Nhìn thế giới từ trên cao, George Steinmetz từ một nhiếp ảnh gia, vô tình trở thành nhà hoạt động vì môi trường.

Năm 1997, George Steinmetz, nhiếp ảnh gia đến từ New Jersey, quyết định học bay khi đảm nhận một dự án chụp ảnh tại vùng trung tâm Sahara và phi công riêng của ông đã xin rút. Nhưng thứ George chọn không phải là máy bay, mà là một chiếc dù lượn gắn động cơ.

“Ban đầu tôi tìm hiểu về dù lượn vì muốn bay ở Sahara, và đó là nơi gần như tôi có thể cất cánh hay hạ cánh ở bất kỳ đâu, vì nó là một địa hình khá an toàn để dùng một phương tiện gắn mô-tơ không đáng tin cậy”, George nói.

George Steinmetz bay dù lượn tại Giza, Ai Cập. Ảnh: Gaetan Hutter.

Ông ví dù lượn như “chiếc ghế vải bay”, để ông có thể bay thấp và chậm trên mặt đất mà không làm phiền người khác hay động vật bên dưới. Nó có thể được tháo dỡ dễ dàng và chia thành ba kiện, mỗi cái nặng chưa đến 20 kg. Do đó, George có thể mang theo “phi cơ của riêng mình” trên bất kỳ chuyến bay thương mại nào.

Từ đó, George, còn có biệt danh là “nhiếp ảnh gia bay”, ghi lại những khung cảnh đẹp nhất vòng quanh thế giới và tập hợp lại trong cuốn sách The Human Planet: Earth at the Dawn of the Anthropocene (tạm dịch là Hành tinh của con người: Trái Đất vào buổi bình minh của kỷ Nhân Sinh).

Với dù lượn, trực thăng và những chiếc drone chuyên nghiệp, George không chỉ hé lộ những kỳ quan thiên nhiên độc đáo, mà còn ghi lại dấu vết khổng lồ của cuộc sống thường ngày. Nhiếp ảnh gia bay chụp ảnh từ những bể muối sặc sỡ tại Teguidda-n-Tessoumt, Nigeria, cho đến cảnh người nông dân trồng lại cây cọ ở Sapi, Malaysia; hay buổi chôn cất hàng loạt nạn nhân của đại dịch Covid-19 trên đảo Hart, New York, Mỹ – độc giả sẽ không thể thấy những hình ảnh này vì cảnh sát đã tịch thu drone của ông.

Từ dù lượn của mình, George chụp được một bức tranh màu sắc tạo nên từ những hố cạn do người dân tự đào để lấy chất khoáng rắn cho gia súc. Màu sắc của từng hố phụ thuộc vào hỗn hợp bùn, tảo và muối ở Teguidda-n-Tessoumt, Nigeria. Ảnh: George Steinmetz.

Dù drone hỗ trợ ông quay chụp phần lớn thời gian do tính năng vượt trội và đảm bảo an toàn, George thực sự quý trọng những tấm ảnh tự mình thực hiện khi bay dù lượn. “Bạn có thể mang theo camera lên cao, song thật khác biệt khi dùng drone. Nhưng drone như một chiếc kính tiềm vọng bay trên trời, và bạn chỉ có thể nhìn thấy những thứ hiển thị trên màn hình chứ không bao quát mọi thứ bên ngoài”, nhiếp ảnh gia Mỹ nhận định.

Ông cũng cho rằng: “Dù lượn thực sự tuyệt vời vì tầm nhìn của bạn không bị giới hạn dù theo bề ngang hay phương thẳng đứng. Như một chiếc môtô bay vậy, mọi thứ ở xung quanh, và bạn cũng có mặt giữa không gian đó”.

Nông dân trồng cây sử dụng giếng tưới nhân tạo ngoài rìa sa mạc Rub’ al Khali, Saudi Arabia. Ảnh: George Steinmetz.

Đồng bằng nơi sông Colorado đổ ra vịnh California, đây là khu vực từng có hệ sinh thái phong phú. Tuy nhiên khi các con đập, dự án thuỷ lợi được xây dựng để đưa nước về các thành phố vào thế kỷ 20, lưu vực sông đã thay đổi. Ảnh: George Steinmetz.

Đồn điền cọ tại Sapi, Sabah, Malaysia. Việc phá rừng mưa để trồng đồn điền cọ lấy dầu đã tàn phá hệ sinh thái tự nhiên. Ảnh: George Steinmetz.

Những nhà kính lợp mái nhựa ở miền nam Tây Ban Nha. Nơi này chủ yếu trồng cà chua, ớt ngọt, dưa chuột, cà tím… canh tác tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, mô hình nông nghiệp này bị chỉ trích vì khai thác cạn kiệt nước ngầm, gây ô nhiễm nitrat và bóc lột lao động nhập cư. Ảnh: George Steinmetz.

Trang trại bò sữa ở Wisconsin, Mỹ với hơn 3.300 chuồng nuôi nhốt. Ảnh: George Steinmetz.

George đánh giá cao những trải nghiệm trực tiếp giúp mở mang tầm mắt. Ông viết trong cuốn sách của mình: “Tôi cho rằng sự thật là điều tối quan trọng, và tôi cần tự mình trải nghiệm nhiều thứ”. Và những điều đã trải qua tạo ra một thay đổi, để ông vô tình trở thành một nhà bảo vệ môi trường.

“Tôi nhận ra dân số toàn cầu đang gia tăng, và nơi ở của động vật hoang dã dần biến mất, và con người đang tiêu tốn tài nguyên của trái đất ở tốc độ chóng mặt… Nó dần trở nên rõ ràng rằng con người đang bước vào một thời kỳ của những giới hạn – bởi chúng ta không thể tiếp tục sử dụng tài nguyên ở tốc độ như hiện nay nếu có mong muốn thế hệ sau còn một hành tinh để sống”, ông nhìn nhận.

Bảo Ngọc (Theo Alas Obscura)

https://vnexpress.net/the-gioi-trong-mat-nhiep-anh-gia-biet-bay-4119885.html

Ảnh vệ tinh cho thấy Covid-19 có thể xuất hiện ở Vũ Hán từ tháng 8/2019

Nghiên cứu của Trường Y, Đại học Harvard, sử dụng ảnh vệ tinh và xu hướng tìm kiếm trên mạng cho thấy Covid-19 có thể đã lây lan ở Trung Quốc từ tháng 8/2019.

Nghiên cứu mới chỉ ra số lượng ôtô trong bãi đậu xe 5 bệnh viện ở Vũ Hán từ đầu tháng 8/2019 cao đáng kể so với mùa hè và mùa thu năm trước. “Lượng xe tăng mạnh từ tháng 8/2019 và đạt đỉnh vào tháng 12/2019”, nhóm nghiên cứu do giám đốc sáng tạo Bệnh viện Nhi Boston John Brownstein dẫn đầu, viết trong một bản tin được đăng trên cổng thông tin DASH của Đại học Harvard, Mỹ, hôm 8/6.

Trong ảnh vệ tinh tháng 10/2018, các nhà nghiên cứu đếm được 171 ôtô trong các bãi đậu ở Thiên Hựu, bệnh viện lớn nhất Vũ Hán. Ảnh vệ tinh một năm sau cho thấy 285 ôtô trong cùng các bãi đậu, tăng khoảng 67%, cũng như lưu lượng giao thông tăng 90% cùng thời điểm tại các bệnh viện khác ở Vũ Hán.

“Các bệnh viện riêng lẻ ghi nhận số ngày có lượng xe tương đối cao trong cả mùa thu và mùa đông 2019. Tuy nhiên, từ tháng 9 đến tháng 10/2019, 5 trong số 6 bệnh viện cho thấy lượng xe đậu trong bãi hàng ngày cao nhất trong loạt phân tích, trùng thời điểm mức độ tìm kiếm trên Baidu tăng cao đối với các từ khóa ‘tiêu chảy’ và ‘ho'”, nhóm nghiên cứu viết.

Số lượng xe trong các bãi đậu tại bệnh viện Thiên Hựu tại hai thời điểm tháng 10/2018 và tháng 10/2019. Ảnh: ABC News.

“Đây là tất cả những gì nỗ lực ghép mảnh một câu đố phức tạp về những gì đang diễn ra vào thời điểm đó”, Brownstein nói. “Dữ liệu đặc biệt hấp dẫn bởi chúng tôi thấy sự gia tăng tìm kiếm bệnh về đường tiêu hóa, tiêu chảy, ở mức độ chúng tôi chưa từng thấy trong lịch sử. Bây giờ chúng tôi biết chắc rằng các triệu chứng về tiêu hóa là triệu chứng ban đầu quan trọng của Covid-19. Một tỷ lệ lớn người dương tính nCoV ở Vũ Hán thực sự có triệu chứng tiêu chảy”.

Brownstein và nhóm của ông đã dành hơn một tháng để cố gắng xác định các dấu hiệu khi dân số tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc bắt đầu bị ảnh hưởng. Logic dự án nghiên cứu của Brownstein rất đơn giản: các bệnh về đường hô hấp dẫn đến các loại hành vi rất đặc trưng trong các cộng đồng chúng lây lan. Vì vậy, những bức ảnh thể hiện những kiểu hành vi đó có thể giúp giải thích những gì đang xảy ra ngay cả khi người bị bệnh không nhận ra vấn đề rộng lớn hơn.

“Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là xem xét các hoạt động, một bệnh viện bận rộn như thế nào”, Brownstein nói. “Và cách chúng tôi làm là đếm xe ở bệnh viện đó. Bãi đậu xe sẽ đầy ắp khi bệnh viện bận rộn. Vì vậy, nhiều xe hơi trong bệnh viện, bệnh viện bận rộn hơn, có khả năng do điều gì đó đang xảy ra trong cộng đồng, sự lây nhiễm gia tăng và mọi người phải đi khám bác sĩ”.

Sử dụng “luồng dữ liệu hợp lệ” để giám sát bệnh hô hấp không mới và nó cũng là một kỹ thuật được các cơ quan tình báo sử dụng.

“Cả hai ý tưởng bãi đậu xe bệnh viện hoặc doanh nghiệp có thể được sử dụng có thể là dấu hiệu tương đối cho điều gì đó xảy ra trong dân số”, Brownstein cho hay. “Chúng tôi đã công bố những năm trước việc phát hiện các bệnh viện ở Mỹ Latinh đông đúc trong mùa cúm. Bạn có thể dự đoán cúm mùa chỉ cần nhìn vào các bãi đậu xe. Và đó là ý tưởng trong nghiên cứu này”.

Theo Brownstein, nhóm hiện chưa thể chứng minh rõ ràng điều gì đã dẫn đến những tín hiệu này nhưng nó làm tăng thêm bằng chứng cho thấy điều gì đó đang xảy ra trước khi nó chính thức được thừa nhận.

Sự thay đổi số lượng xe trong các bãi đậu tại bệnh viện Trung Nam ở Vũ Hán vào tháng 10/2018 và tháng 10/2019. Ảnh: ABC News.

“Dù chúng tôi không thể xác nhận liệu sự tăng số lượng có liên quan trực tiếp đến Covid-19, bằng chứng của chúng tôi hỗ trợ công việc gần đây khác rằng virus đã xuất hiện trước khi được xác định tại chợ hải sản Hoa Nam”, theo Brownstein và nhóm của ông. “Những phát hiện này cũng chứng thực giả thuyết virus xuất hiện tự nhiên ở miền nam Trung Quốc và có khả năng đã lây lan cùng thời điểm cụm dịch Vũ Hán”.

Brownstein cho rằng những dấu hiệu ban đầu của đại dịch đã bị bỏ qua dễ dàng. “Nếu điều tương tự xảy ra ở Mỹ, rất có thể chúng ta cũng bỏ lỡ những tín hiệu này. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta cần tăng cường các nỗ lực y tế công cộng và giám sát sức khỏe cộng đồng”, nhà nghiên cứu cho hay.

Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến gần 7,2 triệu người nhiễm và gần 409.000 người tử vong. Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, phát hiện ca nhiễm đầu tiên hồi tháng 1 tại thành phố Seattle, bang Washington.

Huyền Lê (Theo CNN, ABC News)

https://vnexpress.net/covid-19-co-the-xuat-hien-o-vu-han-tu-thang-8-2019-4112689.html

MỨC ĐỘ QUÁ TẢI DÂN SỐ VIỆT NAM NĂM 2018 DỰA VÀO DẤU CHÂN SINH THÁI VÀ SỨC TẢI SINH HỌC

Nguyễn Trường Ngân

1.Mở đầu

Theo Mạng lưới Dấu chân Toàn cầu (GFN), quá tải dân số (overpopulation) xảy ra khi nhu cầu của con người vượt quá khả năng cung cấp hoặc tái tạo tài nguyên của sinh quyển [4]. Quá tải dân số không chỉ phụ thuộc ở kích cỡ hay mật độ dân số, mà còn vào tỷ lệ giữa dân số so với khả năng cung cấp hay tái tạo tài nguyên trái đất khu vực đó. Một khi quá tải dân số xảy ra, sự tàn phá môi trường sẽ diễn ra nhanh hơn khả năng phục hồi của tự nhiên.

Phương pháp tính toán sự quá tải dân số phổ biến trên thế giới hiện nay là đo lường thông quá việc so sánh giữa Dấu chân sinh thái (Ecological Footprint) và Sức tải sinh học (Biocapacity) của một khu vực tại một thời điểm.

Dấu chân sinh thái (EF): Đo lường diện tích bề mặt đất và nước cần để sản xuất tất cả các tài nguyên cần thiết và hấp thụ toàn bộ chất thải của một cá nhân/địa phương/quốc gia tại thời điểm tính toán [5].

Sức tải sinh học (BC) Đo lường khả năng sản xuất các tài nguyên của đáp ứng nhu cầu của con người và hấp thụ chất thải do con người tạo ra của hệ sinh thái tại khu vực nghiên cứu vào thời điểm tính toán [5].

Dấu chân sinh thái và Sức tải sinh học đều được đo lường bằng đơn vị hecta toàn cầu (global hectare – gha) và đều căn cứ vào công nghệ khai thác và năng lực quản lý tài nguyên vào thời điểm tính toán tại khu vực nghiên cứu. Hecta toàn cầu (gha) là khả năng cung cấp sinh học của một loại đất quy ra năng suất sinh học trung bình trên thế giới tại một thời điểm. Ví dụ, đất trồng trọt có năng suất sinh học cao hơn đất đồng cỏ, do vậy, 1ha đất trồng trọt sẽ có diện tích lớn hơn 1ha đất đồng cỏ khi quy đổi sang gha. Tương tự vậy, đất trồng trọt ở Việt Nam có năng suất sinh học cao hơn đất trồng trọt ở Indonesia, do vậy khi quy đổi cùng một diện tích vật lý, đất trồng trọt tại Việt Nam sẽ có giá trị gha lớn hơn tại Indonesia.

Năm 2016, GFN đã đề xuất 5 thành phần để tính toán EF và BC cho quy mô quốc gia và khu vực, bao gồm: (i) trồng trọt và chăn nuôi, (ii) lâm nghiệp, (iii) thủy sản, (iv) xây dựng, và (v) phát thải carbon (hình 1)

Hình 1. Năm thành phần của Dấu chân sinh thái. Nguồn: GFN, 2016 [2]

Năm 2019, GFN công bố bản đồ thiếu hụt/dư thừa sinh học quy mô quốc gia cho 234 quốc gia và vùng lãnh thổ (hình 2). Từ kết quả tính toán, GFN đã kết luận: “Con người hiện đang sử dụng một lượng bằng 1,75 lần trái đất để cung cấp tài nguyên và chứa đựng chất thải. Điều này nghĩa là trái đất phải mất một năm và chín tháng để tái tạo lại những gì chúng ta sử dụng trong một năm”. Theo kết quả này, Việt Nam với tỷ lệ thiếu hụt – 110%, thuộc nhóm phân loại thiếu hụt cao (quá tải dân số cao).

Hình 2. Bản đồ thiếu hụt/ dư thừa sinh học năm 2019 quy mô quốc gia. Nguồn: GFN, 2019 [3]
2.Mục tiêu

Nghiên cứu này sử dụng số liệu thống kê của Tổng cục thống kê năm 2018 để tính toán Dấu chân sinh thái và Sức tải sinh học, từ đó phân tích mức độ quá tải dân số và thành lập bản đồ mức độ quá tải dân số. Việc tính toán chi tiết tới đơn vị hành chính cấp tỉnh (tỉnh, thành phố thuộc trung ương).

3.Phương pháp

Lưu đồ thu thập và xử lý số liệu được thực hiện qua các bước như hình 3.

Hình 3. Lưu đồ quy trình nghiên cứu

Bước 1. Thu thập dữ liệu. Các dữ liệu thu thập ở 5 lĩnh vực sử dụng tài nguyên và 3 quy mô.

– Quy mô toàn cầu: hệ số quy đổi từ ha về gha (EQF) của các lĩnh vực sử dụng tài nguyên (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng) [4] và phát thải carbon [1].

– Quy mô cả nước: các số liệu về năng suất trung bình các lĩnh vực sử dụng tài nguyên [6] và hệ số phát thải carbon trung bình [1].

– Quy mô cấp tỉnh: số liệu về diện tích, tổng sản lượng, năng suất [6], [7].

– Bản đồ hành chính 63 tỉnh thành, tỷ lệ 1: 1.000.000.

Bước 2. Tính toán Dấu chân sinh thái (EF) theo công thức sau:

Bước 3. Tính toán Sức tải sinh học (BC) theo công thức

Các lĩnh vực để tính EF và BC sử dụng các số liệu thống kê như bảng sau:

Bảng 1. Chỉ dẫn nguồn số liệu tính toán EF và BC

Một số lưu ý trong tính toán EF và BC:

– Đối với lĩnh vực xây dựng: theo lý giải của GFN, do phần lớn đất xây dựng có nguồn gốc từ đất trồng trọt, do đó: YF xây dựng = YF trồng trọt và EQF xây dựng = EQF canh tác [4].

– Phát thải CO2: chỉ tính EF, giá trị BCCO2 = 0 [4].

Bước 4. Tính tỷ lệ thiếu hụt và phân cấp mức độ quá tải dân số (OD) theo công thức:

OD (%) sau đó được phân cấp thành 5 cấp độ như bảng sau:

4.Kết quả và thảo luận

Kết quả tính toán và biên tập được trình bày thành sản phẩm cuối như hình sau:

Hình 4. Bản đồ mức độ quá tải dân số của 63 tỉnh thành Việt Nam năm 2018

4.1. Dấu chân sinh thái EF

Dấu chân sinh thái của cả nước năm 2018 tính được là 95,35 triệu gha (tương đương 1,0 gha/người). Tỉnh có dấu chân lớn nhất là Hà Nội (4,5 triệu gha) và TP.HCM (4,3 triệu gha). Tỉnh có dấu chân nhỏ nhất là Bắc Kạn (0,35 triệu gha). Tuy nhiên, nếu tính dấu chân bình quân đầu người thì tỉnh có dấu chân lớn nhất là Tây Ninh (2,19 gha/người) và tỉnh có dấu chân nhỏ nhất là TP.HCM (0,5 gha/người).

4.2. Sức tải sinh học BC

Sức tải sinh học cả nước năm 2018 tính được là 54,74 triệu gha (tương đương 0,58 gha/người). Tỉnh có sức tải lớn nhất là Đăk Lăk (3,05 triệu gha). Tỉnh có sức tải nhỏ nhất là TP.HCM (0,2 triệu gha). Nếu tính sức tải bình quân đầu người thì tỉnh có sức tải lớn nhất vẫn là Đăk Lăk (1,59 gha/người) và tỉnh có sức tải nhỏ nhất vẫn là TP.HCM (0,02 gha/người).

4.3. Mức độ quá tải dân số

Xét tổng thể cả nước, tỷ lệ quá tải OD = -74,17%, mức độ quá tải trung bình. Kết quả tính toán này thấp hơn một cấp so với kết quả tính toán của GFN.

Chưa quá tải dân số (cấp I): có 8 tỉnh (Hà Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Đăk Lăk và Đắc Nông), chiếm 8,2% về dân số và 18,9% về diện tích của cả nước. Tỉnh có mức độ quá tải thấp nhất là Quảng Bình với giá trị OD là 31,25%.

Quá tải dân số rất cao (cấp V): có 11 tỉnh (Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Bắc Ninh, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bến Tre), chiếm 7,48% về diện tích nhưng lại chiếm đến 34,64% về dân số của cả nước. Tỉnh có mức độ quá tải cao nhất là TP.HCM với OD = – 2.400%.

5.Kết luận

Cũng như nhận định của GFN đối với thế giới, tại Việt Nam, Người dân hiện đang sử dụng một lượng bằng 1,75 lần diện tích lãnh thổ để cung cấp tài nguyên và chứa đựng chất thải. Điều này nghĩa là tự nhiên phải mất một năm và chín tháng để tái tạo lại những gì chúng ta sử dụng trong một năm.

Ở quy mô địa phương, TP.HCM đã sử dụng đến 25 lần khả năng của tự nhiên, nghĩa là tại đây, tự nhiên phải mất 25 năm để tái tạo lại những gì chúng ta đã sử dụng trong 1 năm. Con số này tương ứng ở Hà Nội là 5 năm.

Tài liệu tham khảo

[1] GCP, 2019, Fossil Fuels Emissions 2018, http://globalcarbonatlas.org/en/CO2-emissions

[2] GFN, 2016, How the Footprint Works, https://www.footprintnetwork.org/our-work/ecological-footprint/.

[3] GFN, 2019, Global Ecological Deficit/Reserve Map, http://data.footprintnetwork.org/#/?

[4] Lin, D., 2019. Working Guidebook to the National Footprint and Biocapacity Accounts, working paper, Version 1.3, Global Footprint Network.

[5] Schaefer, F., 2006. Ecological Footprint and Biocapacity: The world’s ability to regenerate resources and absorb waste in a limited time period, European Communities.

[6] Tổng cục thống kê, 2019, Niên giám thống kê Việt Nam, NXB. Thống kê.

[7] Tổng cục thống kê, 2020, Tư liệu kinh tế – xã hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, NXB Thống kê.

Sông Mekong: Cần sự minh bạch, hợp tác về nguồn nước

HỒNG VÂN thực hiện

TTCT – Trong một cuộc trao đổi trực tuyến ngày 7-5, các chuyên gia – tác giả chính của một nghiên cứu mới (công bố ngày 10-4) về Giám sát lượng nước tự nhiên chảy từ thượng nguồn lưu vực sông Mekong trong điều kiện tự nhiên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự minh bạch và hợp tác về nguồn nước trong khu vực.

Nghiên cứu trên đã đưa ra nhiều bằng chứng và dữ liệu hệ thống về việc các đập thủy điện Trung Quốc tích nước, góp phần làm tình trạng hạn hán ở các nước Thái Lan, Campuchia, VN thêm trầm trọng.

Cụ thể, từ tháng 4 – 9, cập nhật đến tháng 11-2019, phần thượng nguồn Mekong ở phía Trung Quốc có lượng mưa cao hơn bình thường nhưng các đập thủy điện ở nước này đã giữ lại số lượng nước đáng kể trong bối cảnh hạn hán khốc liệt ở hạ nguồn. Kết quả đo tại trạm Chiang Saen (Thái Lan) cho thấy mực nước sông không đủ để dâng cao trong mùa mưa.

Lẽ ra, lượng mưa và tuyết tan từ Trung Quốc đủ để mực nước ở đa số các nơi hạ lưu sông Mekong cao hơn trung bình từ tháng 4-2019 đến tháng 3-2020, nếu các đập thủy điện ở Trung Quốc không tích nước.

TTCT trò chuyện cùng tác giả chính của nghiên cứu, ông Alan Basist – chủ tịch Công ty Eyes on Earth Inc (chuyên nghiên cứu và tư vấn về nước) và ông Brian Eyler – giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Stimson (Mỹ), về ý nghĩa của nghiên cứu này.

Thưa ông Alan Basist, ông có thể nói về quá trình thực hiện nghiên cứu này?

– Chúng tôi thực hiện nghiên cứu này đầu năm 2019 với ý tưởng giám sát lượng nước chảy từ thượng nguồn sông Mekong (sông Lan Thương, theo tên gọi ở Trung Quốc) tại một vị trí cửa ngõ là trạm đo Chiang Sean. Dữ liệu mực nước sông trung bình đo hằng ngày ở trạm này được thu thập từ tháng 1-1992 đến tháng 9-2019, do Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) cung cấp.

Phần phía trên trạm Chiang Sean gồm toàn bộ chiều dài con sông Lan Thương và một phần sông Mekong chảy qua Myanmar và Lào nhưng ở đây, không có phụ lưu nào chảy vào dòng chính.

Chúng tôi cố gắng tìm hiểu điều này với mục tiêu thúc đẩy sự minh bạch. Khi có thể xác định được lượng nước tự nhiên của dòng sông, những thảo luận về cách phân phối nguồn nước giữa các quốc gia chia sẻ dòng Mekong sẽ trung thực hơn. Do đây là một nghiên cứu nhỏ, hạn chế về phạm vi, chúng tôi chỉ tập trung vào khu vực thượng nguồn.

Nghiên cứu dựa vào dữ liệu vệ tinh cần tham chiếu với số liệu mặt đất. Ông có được tiếp cận với các dữ liệu cần thiết về việc vận hành chuỗi đập của Trung Quốc để tham chiếu cho nghiên cứu của mình không?

– Trung Quốc không cung cấp dữ liệu này. Đây chính là vấn đề. Chúng tôi đã xác thực dữ liệu từ cảm biến vệ tinh với dữ liệu của trạm đo tại Chiang Sean và số liệu này là quan trọng nhất, phản ánh lượng nước thực sự ở biên giới Thái Lan.

Mối quan hệ giữa dữ liệu vệ tinh và dòng chảy tự nhiên trong mô hình của chúng tôi phù hợp tuyệt vời với nhau, ổn định, có chu kỳ cao thấp hằng năm phù hợp với dòng chảy tự nhiên. Sau đó, chúng tôi đối chiếu với độ cao mực nước sông ở trạm Chiang Sean. Đây là nguồn số liệu mặt đất chính xác và là giá trị của mô hình của chúng tôi.

Ông Alan Basist. Ảnh: NVCC

MRC đã phản hồi nghiên cứu của ông vào ngày 21-4. Ông có ý kiến gì về những phản hồi đó?

– Nghiên cứu của chúng tôi phối hợp với MRC từ đầu. MRC khuyến khích chúng tôi thực hiện nghiên cứu này và cung cấp dữ liệu cho chúng tôi. Tôi trình bày về nghiên cứu của mình ở Hà Nội vào tháng 12-2019 với dữ liệu tính đến tháng 3 cùng năm để chứng minh chỉ số độ ẩm là đáng tin cậy để giám sát dòng chảy tự nhiên và hiểu sự khác biệt giữa dòng chảy tự nhiên và lượng nước đo được ở trạm Chiang Sean. Một đại diện của MRC tại buổi trình bày đề nghị tôi mở rộng nghiên cứu, xem xét toàn bộ mùa khô năm 2019 để biết lượng nước chảy từ Trung Quốc xuống là nhiều hay ít.

Thưa ông Brian Eyler, nghiên cứu tập trung vào 6 tháng trong một năm đặc biệt (năm hạn hán, ít mưa). Còn tác động của đập thủy điện ở Trung Quốc trong năm bình thường đối với ĐBSCL sẽ như thế nào?

– Dù là năm nào, các đập thượng nguồn của Trung Quốc đều có tác động đến ĐBSCL. Các đập thủy điện của Trung Quốc tác động đến sông Mekong ở ĐBSCL bằng cách tích nước hoặc xả nước. Trong 30 năm qua, Trung Quốc tích nước nhiều hơn là xả nước. Trong những năm hạn nghiêm trọng và trong mùa khô, lượng nước từ Trung Quốc chảy về hạ lưu từ 40% hoặc hơn so với phần còn lại của lưu vực.

Vì vậy, trong mùa khô, tác động từ thượng nguồn do việc hạn chế dòng chảy có khả năng ảnh hưởng lớn hơn so với các tác động này trong mùa mưa. Tác động của việc tích nước trong mùa khô làm tăng nhiễm mặn ở ĐBSCL, buộc người dân phải khai thác một lượng lớn nước ngầm do thiếu nước ngọt.

Trung Quốc có thể giữ nước phía sau các con đập của họ. Điều gì xảy ra với khối lượng nước này, cuối cùng thì nước chảy đi đâu?Ngoài ra, tác động tổng hợp lớn nhất của các đập thủy điện ở Trung Quốc là loại bỏ phù sa khỏi hệ thống sông Mekong vì 60% lượng trầm tích của dòng chính sông Mekong đến từ Trung Quốc. Phù sa rất quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL, là yếu tố rất quan trọng làm cho ĐBSCL vững chắc hơn trước những đe dọa của biến đổi khí hậu. Khi phù sa bị mất đi, ĐBSCL không còn được bồi đắp, nơi này sẽ bị suy yếu về mặt địa chất, dễ bị xói mòn và lún thấp hơn mực nước biển.

– 5 con đập đã được xây dựng trong 5 năm qua ở thượng nguồn sông Mekong đều có hồ chứa lớn. Nước có khả năng nằm trong các hồ chứa này ở thượng nguồn. Các đập trên sông Lan Thương thường không sử dụng để sản xuất thủy điện nên nước không thường xuyên chạy qua các tuôcbin, trừ khi ở thượng nguồn hoặc hạ nguồn cần xả nước. Các con đập ở thượng nguồn có vai trò như nguồn dự trữ nước cho tương lai của Trung Quốc với cái giá mà các nước hạ nguồn gánh chịu.

Đập Cảnh Hồng của Trung Quốc quả thực có xả nhiều nước hơn trung bình trong mùa khô (cuối tháng 1-2020), giúp mực nước trung bình trên sông Mekong tăng lên nhưng chỉ số ở các trạm đo tại Tân Châu, Châu Đốc ở ĐBSCL cho thấy lượng nước này không đến VN.

Tôi không thấy có bằng chứng nào về việc Trung Quốc tháo nước từ sông Lan Thương sang các lưu vực sông khác ở đại lục. Cho đến nay, điều này là không thể về mặt kỹ thuật, nhưng không có nghĩa là nó không được khắc phục trong tương lai khi tài nguyên nước ở Trung Quốc cạn kiệt dần theo thời gian.

Ông Brian Eyler. Ảnh: NVCC

Có khả năng nước được dùng như một loại vũ khí như tích trữ trong mùa khô hạn hoặc xả thêm trong mùa lũ không, thưa ông?

– Trước khi có báo cáo này, tôi sẽ trả lời “KHÔNG” với câu hỏi trên. Nhưng bằng chứng khoa học đã thay đổi suy nghĩ của tôi. Năm ngoái, Trung Quốc đã giữ rất nhiều nước trong mùa mưa, vốn là một năm ít mưa ở hạ lưu sông Mekong, phá vỡ chu kỳ nước sông dâng lên.

Liệu Trung Quốc có làm điều này và sử dụng nước như một loại vũ khí hay không còn phải lý giải. Tôi cho rằng sự kiện đã xảy ra có thể do thiếu sót về thông tin hoặc thiếu phối hợp giữa các đơn vị vận hành đập và chính quyền trung ương ở Bắc Kinh.

Nhưng qua đó ta thấy những thiếu sót ở Trung Quốc có khả năng can thiệp sâu vào sự sống còn của sông Mekong, dòng chính. Ngoài ra, có báo cáo về việc xả nước đột ngột liên quan đến các con đập mới. Một lần nữa, Trung Quốc dường như đã không được lường trước hậu quả của việc xả nước bất ngờ với hạ nguồn.

Hậu quả của nó chắc chắn là giống với tác động của một loại vũ khí đối với các cộng đồng ở bắc Thái Lan và Lào, nơi sinh kế của người dân bị thiệt hại. Ruộng vườn của họ bị ngập, nông cụ và gia súc bị cuốn trôi.

Việc các con đập tích nước, xả nước có thể là thách thức cho các nỗ lực đối thoại giữa Trung Quốc và các nước Mekong. Làm sao các bên liên quan có thể thảo luận, kêu gọi sự minh bạch và hợp tác tích cực hơn từ Trung Quốc?

– Phương pháp của Công ty Eyes on Earth có thể được nhân rộng với chi phí thấp. Nếu các bên liên quan, cho dù là cấp chính phủ hay phi chính phủ áp dụng các phương pháp nghiên cứu này hoặc có nhu cầu tiếp cận với số liệu gần như theo thời gian thực từ Công ty Eyes on Earth hoặc các tổ chức nghiên cứu khác, những thông tin này có thể trở thành kiến thức phổ biến và được sử dụng rộng rãi để cải thiện các cuộc đối thoại liên quan đến Mekong.

MRC cần áp dụng phương pháp và phát hiện này, đồng thời công nhận giá trị của nó trong việc giám sát sông Mekong và sử dụng nó trong các thảo luận trong khuôn khổ Hợp tác Lan Thương – Mekong của cơ quan này với Trung Quốc.

Xin cảm ơn hai ông.

https://cuoituan.tuoitre.vn/tin/20200522/song-mekong-can-su-minh-bach-hop-tac-ve-nguon-nuoc/1557780.html

Ngày Trái đất, ngắm những ‘điểm đen’ ô nhiễm trở nên trong lành giữa đại dịch

TTO – Ngày Trái đất (22-4) năm nay được Liên Hiệp Quốc lựa chọn với chủ đề ‘Hành động vì khí hậu’ nhằm nâng cao nhận thức và đưa ra những biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Venice (Ý) trời xanh, nước xanh, giữa đại dịch COVID-19 – Ảnh: REUTERS

2020 cũng là kỷ niệm 50 ngày Trái đất. Theo The Guardian, sự kiện được tổ chức lần đầu vào năm 1970, thu hút khoảng 20 triệu người Mỹ hưởng ứng, xuống đường tuần hành vì môi trường và yêu cầu chính quyền mạnh tay đưa ra các biện pháp bảo vệ hành tinh.

Đến năm 2009, Liên Hiệp Quốc chính thức công nhận 22-4 là ngày Trái đất, cũng là dịp cả thế giới nhìn nhận về giá trị của môi trường, kêu gọi các hành động thiết thực bảo vệ môi trường.

Năm nay, ngày Trái đất đến giữa lúc thế giới đang chống lại đại dịch COVID-19.

Nhờ những biện pháp phong tỏa để ngăn đại dịch, môi trường những ngày qua ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.

Khí quyển Trái đất sạch hơn khi người dân ít ra ngoài, phương tiện giao thông hạn chế, hoạt động sản xuất thải khí nhà kính giảm đi… Nhiều “điểm đen” ô nhiễm như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan… có bầu không khí trong lành kinh ngạc.

Theo Reuters, dữ liệu vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho thấy từ ngày 14 đến 25-3, ô nhiễm không khí do chất NO2 ở những thành phố lớn tại các nước Pháp, Tây Ban Nha, Ý giảm khoảng 40%.

Trái đất cũng ít ồn ào hơn. Tạp chí Newsweek ghi nhận, những ngày qua bề mặt Trái đất yên tĩnh hơn, giảm đáng kể những rung động trên đất liền, chủ yếu do lượng xe cộ giảm, tạm dừng thi công nhiều công trình xây dựng giữa đại dịch…

Theo TS Stephen Hicks – ĐH Hoàng gia London (Anh) – đây là thời điểm hiếm có giữa nhịp sống hiện đại để nghiên cứu về địa chất Trái đất.

Giữa mùa dịch, động vật hoang dã ‘lộ diện thường xuyên hơn sau nhiều năm; hoa tulip, hoa anh đào nở đúng hẹn; những kỳ quan thiên nhiên đông đúc khách nay nhàn nhã, yên bình…

Ngày Trái đất năm nay dường như đúng nghĩa cho Trái đất.

Đường xá thênh thang, không khí trong lành, người dân ở miền bắc Ấn Độ thậm chí đã thấy được dãy Himalaya cách đó 200km lần đầu tiên sau 30 năm – Ảnh: INDIA TIMES

Hoa tulip nở đúng mùa (tháng 4 – tháng 5) ở Hà Lan. Tuy nhiên, ước tính mỗi ngày nước này phải bỏ đi 1 triệu cành hoa do nhu cầu sụt giảm trong đại dịch. Theo hợp tác xã Royal FloraHolland – cơ sở chuyên cung cấp hoa lớn nhất Hà Lan – ước tính năm nay khoảng 70% tổng sản lượng hoa tulip ở nước này sẽ không tiêu thụ được – Ảnh: REUTERS

Khung cảnh yên tĩnh ở La Paz, Bolivia – Ảnh: REUTERS

Mùa dịch động vật “tràn” ra ngoài nhiều hơn. Trong ảnh: Bầy khỉ tại đền Prang Sam Yod, Lopburi, Thái Lan – Ảnh: REUTERS

Ở châu Á, hoa anh đào vẫn nở đón xuân (tháng 3 – tháng 5). Chính quyền Tokyo (Nhật Bản) từng kêu gọi người dân nên hủy các kế hoạch ngắm hoa năm nay nhằm tránh lây nhiễm virus – Ảnh: REUTERS

Hoa anh đào nở, mùa xuân vẫn đến ở Riga, Latvia – Ảnh: REUTERS

Dòng sông trong vắt ở Venice (Ý) khi vắng khách du lịch. Người dân nơi đây cho biết đã rất lâu mới được ngắm nhìn màu nước xanh và đẹp đến thế khi không có khách du lịch, không động cơ mô tô nước, không rác thải… – Ảnh: REUTERS

Loài rùa biển đặc hữu ở bang Odisha của Ấn Độ “chiếm cứ” bờ biển Rushikulya đẻ trứng. Rùa ở đây từng trốn tránh do ô nhiễm và khách du lịch quấy phá, nhưng nay có thể vô tư nghỉ dưỡng mà không bị làm phiền – Ảnh: INDIA TIMES

Cánh rừng còn sót lại sau đợt cháy rừng lịch sử tại Úc. Đầu tháng 3, chính quyền bang New South Wales (Úc) thông báo đám cháy đã hoàn toàn được dập tắt, nhưng hỏa hoạn đã gây thiệt hại nặng nề cho thiên nhiên nước này – Ảnh: NEW YORK TIMES

Chú ong hút mật trên hoa hạnh nhân một ngày yên bình ở Tel Arad, Israel – Ảnh: REUTERS

Sư tử nằm nghênh ngang giữa đường tại Vườn Quốc gia Kruger (Nam Phi). Theo người phát ngôn Vườn quốc gia Isaac Phaala, sư tử thường ngủ trong các bụi rậm nhưng do lệnh đóng cửa vườn từ 25-3, đàn sư tử tranh thủ “tận hưởng” khoảnh khắc yên tĩnh hiếm thấy – Ảnh: REUTERS

HOÀNG THI

https://tuoitre.vn/ngay-trai-dat-ngam-nhung-diem-den-o-nhiem-tro-nen-trong-lanh-giua-dai-dich-20200422123131468.htm