Tại phiên họp thứ 41 của Đại hội đồng UNESCO, Ngày Quốc tế Đa dạng địa học đã được chính thức cộng nhận. Kể từ đây, ngày 6 tháng 10 hàng năm sẽ là một ngày lễ kỷ niệm trên toàn thế giới nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của thiên nhiên phi sinh vật đối với hạnh phúc và thịnh vượng của tất cả chúng ta trên hành tinh này!
Đa dạng địa học là gì?
Theo đề xuất của UNESCO về Ngày Quốc tế Đa dạng địa học: “Đa dạng địa học được định nghĩa là sự đa dạng của các yếu tố phi sinh của tự nhiên – bao gồm khoáng vật, đá, hóa thạch, đất, trầm tích, địa mạo, địa hình, các quá trình địa chất và hình thái, và các đặc điểm thủy văn như sông và hồ. Đa dạng địa học làm nền tảng cho đa dạng sinh học và là cơ sở của mọi hệ sinh thái, nhưng có những giá trị riêng độc lập với đa dạng sinh học ”.
Cùng nhìn lại chặng đường cho ngày lễ kỷ niệm này:
Ngày Quốc tế Đa dạng địa học được chính thức chấp nhận vào tháng 11/2021 bởi Phiên họp lần thứ 41 của Đại hội đồng UNESCO. (Ảnh: geodiversityday.org)
Xin chân thành cảm ơn IGD team: José Brilha, Murray Gray, Jack Matthews, Zbigniew Zwolinski và OxGVC Organising Committee Jack, Helena, Taha, Lucie, and Lubomir vì những nỗ lực cho ngày Quốc tế Đa dạng địa học được công nhận.
Biểu trưng của Ngày Quốc tế Đa dạng địa học cũng đã được công bố.
Biểu trưng Ngày Quốc tế Đa dạng địa học và tác giả Silas (Brazil)
Cùng tìm hiểu thêm về Ngày Quốc tế Đa dạng địa học và Đa dạng địa học qua website của http://geodiversityday.org/. Và hãy xem video clip để hiểu thêm về “nhân vật thầm lặng” đứng phía sau của sự đa dạng sinh học trên Trái Đất này.
Công viên địa chất Toàn cầu là một khu vực tự nhiên, độc đáo, có ranh giới rõ ràng, trong đó chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất có giá trị khoa học, phân bố trong phạm vi nhất định, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, đồng thời chứa đựng các giá trị về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa xã hội và có diện tích thích hợp để phát triển kinh tế địa phương, thông qua hình thức phát triển du lịch và các dịch vụ phụ trợ khác. Công viên địa chất quốc gia khi có đủ điều kiện sẽ được UNESCO công nhận là “Công viên địa chất Toàn cầu”.
Tại Việt Nam, UNESCO đã công nhận 03 Công viên địa chất toàn cầu là: Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Công viên địa chất Non nước Cao Bằng và Công viên địa chất Đắk Nông.Với mục tiêu quảng bá hình ảnh, vinh danh 3 Công viên địa chất Toàn cầu tại Việt Nam đã được UNESCO công nhận, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem “Công viên địa chất Toàn cầu” gồm 3 mẫu tem + 1 blốc, với giá mặt 4000đ, 4000đ, 8000đ và 15000đ do họa sĩ Nguyễn Du (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế. Bộ tem được phát hành vào ngày 30/10/2021.
1. Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (được công nhận vào năm 2010)
CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở cực Bắc Việt Nam, cách Hà Nội hơn 320 km, thuộc tỉnh Hà Giang và có đường biên giới dài với Trung Quốc. CVĐCTCCNĐ Đồng Văn có tổng diện tích 2356km2 bao gồm địa giới hành chính của 4 huyện (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc). CVĐCTCCNĐ Đồng Văn mang đặc trưng của miền núi phía Bắc, địa hình bị chia cắt mạnh có nhiều núi cao hiểm trở và nhiều thung lũng sâu, độ cao trung bình từ 1000 -1600m so với mặt nước biển.
CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn có đặc điểm nổi bật với những dải núi đá tai mèo sắc nhọn, những khe núi sâu và hẹp, những vách núi dựng đứng cao vút, các chóp núi như những kim tự tháp, các trũng sâu hun hút, hang động và các vườn đá tạo nên vẻ đẹp lạ thường, có giá trị to lớn không chỉ về du lịch mà còn có giá trị rất lớn về khoa học và giáo dục.
Mẫu tem giới thiệu “Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn”
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn là địa bàn cư trú của 17 dân tộc anh em. Quá trình phát triển và gắn bó lâu dài của cư dân các dân tộc trên vùng cao nguyên đá đã để lại những dấu ấn văn hóa đậm nét tạo nên sự đặc sắc và phong phú của văn hóa nơi đây. Trải qua những thăng trầm, biến cố của lịch sử và sự phát triển về mọi mặt của xã hội, đồng bào các dân tộc vùng Cao nguyên đá vẫn luôn giữ gìn được giá trị bản sắc riêng với nhiều nét đặc trưng và quyến rũ.
2. Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng (được công nhận vào năm 2018)
Công viên Địa chất (CVĐC) Non Nước Cao Bằng nằm ở miền đất địa đầu phía bắc Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 300km, diện tích hơn 3000 km2, bao gồm 6 huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích các huyện Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An. Đây là nơi sinh sống của 9 dân tộc khác nhau, như Tày, Nùng, H’Mông, Kinh, Dao, Sán Chay…… CVĐC Non Nước Cao Bằng là một miền đất hiếm có, nơi bạn có thể tìm hiểu lịch sử trên 500 triệu năm của Trái Đất qua các dấu tích còn lại ở đây. Các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản…, đặc biệt là các cảnh quan đá vôi, là những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của Trái Đất. Chúng xứng đáng là những di sản địa chất đặc sắc.
Mẫu tem giới thiệu “Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng”
CVĐC Non Nước Cao Bằng còn chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt là các di tích lịch sử cách mạng, trong đó có Di tích Quốc gia Đặc biệt Pác Bó – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước năm 1941 lãnh đạo phong trào cách mạng sau hơn ba mươi năm bôn ba ở nước ngoài; Di tích Quốc gia Đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo – nơi năm 1944 Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay. CVĐC Non Nước Cao Bằng cũng nổi tiếng với phong phú các giá trị đa dạng sinh học cùng nhiều hệ sinh thái, giống loài động thực vật đặc hữu.
3. Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông (được công nhận năm 2020)
Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông có diện tích hơn 4.700km2, nằm trải dài trên địa bàn 6 huyện, thị xã gồm: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa của tỉnh Đắk Nông. Với 65 điểm di sản địa chất, trong đó có 7 điểm di sản địa chất tầm quốc tế, Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông hội tụ tất cả các giá trị tiêu biểu cả về địa chất, địa mạo, văn hóa cũng như đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực.
Mẫu tem giới thiệu “Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông”
Trong thời gian qua, Công viên Địa chất Đắk Nông thu hút nhiều du khách đến chiêm ngưỡng, tìm hiểu không chỉ vì khung cảnh độc đáo mà còn vì các giá trị văn hóa lâu đời của các dân tộc. Đến với Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông, du khách được, khám phá, trải nghiệm hệ thống hang động núi lửa trong đá bazan độc đáo, nguyên sơ vốn được xác lập kỷ lục dài nhất Đông Nam Á; Ngắm nhìn các thắng cảnh hoang sơ, hùng vĩ như núi lửa Băng Mo (huyện Cư Jút), núi lửa Nâm Gleh R’luh (huyện Đắk Mil); Tham gia hành trình về nguồn tại các buôn làng của người Ê Đê, M’Nông với nhiều nét độc đáo của văn hóa bản địa; tham quan Vườn Quốc gia Tà Đùng với thắng cảnh Hồ Tà Đùng, vốn được ví là “Vịnh Hạ Long trên cao nguyên”…
Với hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á, sự đa dạng sinh học, cùng nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông là điểm đến lí tưởng cho những ai thích khám phá và trải nghiệm.
Hoạ sĩ thiết kế/Designer: Nguyễn Du (VNPost)
Khuôn khổ tem/Stamp size: 46×31 mm
Khuôn khổ bloc/Bloc size: 120×80 mm
Khuôn khổ FDC/FDC size: 200×110 mm
Ngày hết hạn phát hành/Withdrawn date: 30/6/2023
Phong bì ngày phát hành đầu tiên
Theo thông tin từ: Công ty tem Việt Nam và các trang thông tin khác.
Tại kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển diễn ra từ ngày 13 đến 17/9, tại Abuja, Nigeria, 2 khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa và Cao nguyên Kon Hà Nừng của Việt Nam đã được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa
Trong phiên họp chiều 15/9/2021 (theo giờ Paris, Pháp), 2 hồ sơ đề cử của Việt Nam gồm Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa và Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) Cao nguyên Kon Hà Nừng đã được Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển UNESCO xem xét công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQTG). Như vậy, trong giai đoạn 2000-2020, Việt Nam đã được công nhận tổng cộng 11 khu DTSQTG, trở thành quốc gia có số lượng Khu DTSQ đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia (19 khu DTSQ).
Khu DTSQ Núi Chúa với 1 vùng lõi là vườn quốc gia Núi Chúa, tổng diện tích 106.646,45 ha, là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng và độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á. Hệ sinh thái rừng ở khu vực đề cử có giá trị đặc biệt vì thuộc vùng sinh thái Trường Sơn (Greater Annamites- thuộc khu vực SA4), là 1 trong 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu và được lựa chọn là 1 trong những vùng ưu tiên bảo tồn cao nhất của tất cả các kiểu sinh cảnh chính trên trái đất.
Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng.
Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng, với tổng diện tích 413.511,67ha, gồm 2 vùng lõi là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, có hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi trung bình còn tương đối nguyên vẹn, có tính đa dạng sinh học cao đặc trưng cho hệ sinh thái rừng, hệ thực vật rừng và hệ động vật rừng của khu vực Tây Nguyên. Khu DTSQ này cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội và duy trì sự cân bằng sinh thái của khu vực Tây Nguyên và cả khu vực Trung Trung Bộ và Đông Nam Bộ.
Bên cạnh đó, 2 khu DTSQ Núi Chúa và Cao nguyên Kon Hà Nừng đều chứa đựng kho tàng di sản văn hóa phong phú và đặc sắc với nhiều đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống tại đây.
Các khu DTSQ khi được công nhận sẽ là mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương, kết nối hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục và nghiên cứu khoa học… Đồng thời, những khu vực được công nhận bởi UNESCO này có tiềm năng to lớn trong việc cung cấp các giải pháp giải quyết 1 trong những thách thức quan trọng mà thế giới đang phải đối mặt, đó là cân bằng giữa phát triển kinh tế và xã hội và giải quyết các mối đe dọa toàn cầu đang hiện hữu như nghèo đói, dịch bệnh, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường và các tác động của biến đổi khí hậu.
Việc UNESCO công nhận thêm 2 Khu DTSQ của Việt Nam thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị về đa dạng sinh học cũng như nỗ lực bảo tồn thiên nhiên, phát triển bền vững của Việt Nam; đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa của Việt Nam đối với bạn bè thế giới.
Kỳ quan Thác 50 trong KDTSQ Kon Hà Nừng. (Ảnh Phương Linh)
Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng là nơi cư trú của các loài quý hiếm như Voọc chà vá chân xám (Pygathrix cinerea). Đây là loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm của Việt Nam, được xếp vào loại cực kỳ nguy cấp, chỉ còn khoảng 1.000 cá thể trong tự nhiên. (Ảnh: Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng).
Hang Rái. Ảnh:Thiên Thạch
Bãi nước Ngọt. Ảnh Thiên Bình
Loài Cheo lưng bạc Việt Nam (tên khoa học Tragulus versicolor) tại khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa. Đây là loài động vật hơn 30 năm qua chưa có hình ảnh hay thông tin phát hiện tại khu vực cụ thể ở Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Như vậy, tính đến 2021, Việt Nam đã có 11 Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận
1. Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (2000).
2. Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (2001).
3. Khu dự trữ sinh quyển Châu thổ sông Hồng (2004).
4. Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà (2004).
5. Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang (2006).
6. Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An (2007).
7. Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm (2009).
8. Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau (2009).
9. Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang (Đà Lạt) (2015).
10. Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (Ninh Thuận) (2021)
11. Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng (Gia Lai) (2021).
Đã bao giờ bạn nghe đến “Tứ Bình” – được ví như tiểu Maldives ở Việt Nam? Đó là bốn địa danh bao gồm: Bình Hưng, Bình Ba và Bình Lập (thuộc xã Cam Bình và Cam Lập, Cam Ranh, Khánh Hòa) cùng với Bình Tiên (xã Công Hải, Huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận).
Mất thời gian dài do giãn cách xã hội vì dịch COVID, mãi đến cuối tháng 6, chúng tôi – 4 cô trò (Phương Chi, Ngọc Nhi, Mai Quỳnh, Hà Giang) mới thực hiện được chuyến thực địa khảo sát đã có kế hoạch từ trước Tết. Chuyến đi thật thú vị, được chiêm ngưỡng cảnh quan biển đẹp, hoang sơ với sự giúp đỡ của người dân biển trong suốt hành trình.
Sau khi phân tích tài liệu và các bản đồ ở nhà, chúng tôi dự kiến chọn lựa các geosite tiềm năng cho dải ven biển Tứ Bình. Nhiệm vụ của chuyến thực địa này được cô trò vạch ra là đến các điểm để mô tả, đo, vẽ, chụp ảnh và lấy mẫu đá, cuội.
Ngày 1, Bình Tiên – Bình Hưng, chuyến phượt bằng xe bán tải vi diệu
7 giờ sáng, chú Bình – dù không phải dân địa phương nhưng làm việc ở Cam Ranh và đã có biết bao kinh nghiệm “phượt“ các bãi biển đến đón chúng tôi ở nhà Mai Quỳnh.
Chưa đầy 45 phút di chuyển, chúng tôi đã có mặt ở Bãi Bà Bóng. Các bãi biển thuộc Bình Tiên nhỏ hẹp rải rác ven theo Núi Chúa hùng vĩ. Bình Tiên có 3 bãi biển chính là Bãi biển Bà Bóng, giáp Mũi Cà Tiên; Bãi biển Bình Tiên – dải cát trắng mịn, cong mềm mại hơn 2.2km và Bãi biển Chà Là.
Hình 1. Khu vực biển Bà Bóng nhận dòng chảy từ đất liền ra. Ảnh: Đ.D.T.Bình
Hình 2. Bãi Bình Tiên trải dài hơn 2,2km, rộng hơn 30m, cát trắng, mịn. Ảnh: Đ.D.T.Bình
Theo Tỉnh lộ 702 về phía nam, chúng tôi tiếp tục khảo sát dải ven biển từ bắc Ninh Hải, Ninh Thuận đến đường ra đảo Bình Hưng. Biển Ninh Hải cũng có những bãi nổi tiếng là hoang sơ, đẹp.
Hình 3. Điểm nhìn bải biển Bình Tiên trên tỉnh lộ 702
Hình 4. Ngọc Nhi bên chiếc xe bán tải có thể đi khắp các địa hình
9g15 chúng tôi đến con đường mòn đi vào hai bãi biển ít dấu chân du khách, đó là Bãi Chà Là và Bãi Nước Ngọt. Điểm đặc biệt của Bãi Nước Ngọt đó là có sự hiện diện dòng suối quanh năm bắt nguồn từ Núi Chúa. Chính vì thế nên trầm tích bãi biển tại đây ngoài dải cát mịn còn có trầm tích cuội, đá thô.
Hình 5. Bãi Nước Ngọt. Ảnh: Đ.D.T.Bình
Hình 6. Mai Quỳnh tại Bãi nước Ngọt.
Tiếp tục đi theo tỉnh lộ 702 về hướng Tây Nam, chúng tôi khảo sát Bãi Kinh – một bãi biển dài hơn 200m, nơi rộng nhất chừng 25m, cát trắng, mịn, mặt biển phẳng lặng.
Hình 7. Toàn cảnh Bãi Kinh. Ảnh: Đ.D.T.Bình
Hình 8. Bãi Kinh rất thích hợp cho gia đình nghỉ dưỡng, tắm biển, vui chơi dưới nước.
Đúng 12 giờ trưa, khi nắng lên đỉnh đầu, chúng tôi dùng cơm trưa tại khu du lịch Bãi Kinh và chờ tàu sang Bình Hưng.
Bình Hưng
Nắng Cam Ranh thật khủng khiếp, gần 14g nhưng mặt cô, trò vẫn nóng rát khi rời bãi Kinh đi Bình Hưng. Chỉ mất khoảng 10 phút, chúng tôi đã tới Bình Hưng – một thôn thuộc xã đảo Cam Bình rộng gần 2 km2. Bình Hưng còn có tên là Hòn Chút, hay Hòn Tý. Bình Hưng là núi đá xâm nhập có đỉnh cao khoảng 100m. Tại Bình Hưng, mấy cô trò khảo sát các điểm Hải Đăng Hòn Chút, Bãi Cây Me, Bãi Đá Trứng.
(Trước khi cập bến tàu Bình Hưng, chú Chín Lên – lái tàu ở đảo chở chúng tôi sang Bãi tắm Cây Me. Đây là Bãi tắm chỉ có thể đến bằng đường biển, nước trong vắt, cát mịn, sau lưng là vách núi với hệ thống khe nứt chia cắt dầy đặc).
Hình 9. Bãi Cây Me – Bình Hưng. Bãi biển này chỉ có thể đến bằng đường biển.
Hình 10. 5 màu nước biển Cây Me trước mặt Hà Giang.
Trên đảo, phương tiện di chuyển phổ biến là xe điện chạy xăng bởi địa hình khá dốc, lái xe nói “động cơ điện không thể nào chở khách được ở đây”. Khu vực Hải đăng Hòn Chút không cho du khách tiếp cận vì lý do quân sự, nhưng nhờ giấy giới thiệu của trường, chúng tôi được lên quan sát toàn cảnh từ điểm nhìn khá thú vị này.
Hình 11. Từ Hải đăng Hòn Chút nhìn về phía tây của đảo.
Hình 12. Hải Đăng Hòn Chút. Ảnh: Wikimapia
15 giờ, cái nóng khô của miền Trung đã làm con đường từ Hải Đăng đến Bãi Đá Trứng dường như dài và khó hơn. Đến 15g15, trước mặt chúng tôi là một bãi đá cuội – bãi đá trứng khổng lồ.
Hình 13. Bãi Đá Trứng – Bình Hưng. Ảnh: Đ.D.T. Bình
Hình 14. Du khách có lẽ cũng đến đây và thử sức với xếp đá cân bằng.
Sau khi đo đạc kích thước ‘đá Trứng’ xong, chúng tôi về bến tàu để trở lại Bãi Kinh lúc 16g30.
Kết thúc ngày đầu tiên, chúng tôi được ba mẹ Mai Quỳnh mời ăn tối ở Đồng Cừu – Suối Tiên, thuộc Công Hải, Thuận Bắc Ninh Thuận.
Đồng cừu là cánh đồng cỏ và ruộng lúa, phía sau là núi Bà trùng điệp. Tại đây, ngoài chơi với cừu, du khách có thể thăm Suối Tiên, nhà gỗ, vườn hoa.
Hình 15. Sinh viên vui chơi với cừu.
Hình 16. Buổi tối ở Đồng cừu – Suối Tiên
Ngày 2, Bình Lập – Bình Ba, cảm giác vượt trùng khơi cùng tàu cá và thuyền thúng
Ngày thứ hai của hành trình khởi đầu thật sự háo hức bởi chúng tôi được đi bằng tàu cá của Chú Sanh – dượng của Mai Quỳnh. Lộ trình được dự định vòng quanh bán đảo Bình Lập (thuộc xã Cam Lập) và một số điểm tại Bình Ba, Cam Bình (Cam Ranh, Khánh Hòa).
Xuất phát từ cảng cá Ba Ngòi lúc 7g30, nghe chú Sanh và anh Bi nói “mình sẽ đi thuyền thúng ra tàu, rồi khi đến các bãi biển, sẽ neo tàu ở xa”. Khi đẩy thuyền thúng xuống các bãi, chúng tôi có cảm giác sợ, nhưng thú vị với trải nghiệm mới mẻ này.
Hình 17. Khởi hành từ cảng Ba Ngòi
Hình 18. Từ tàu xuống thúng, rồi từ thúng lên tàu. Qua mấy bận là mấy cô trò có thể di chuyển nhịp nhàng ^^
Bình Lập có hai khu nghỉ dưỡng là Ngọc Sương và Sao Biển luôn hấp dẫn du khách. Cạnh đó có Bãi Nhỏ (Robinson), và Bãi Cồn – một dải cát trắng trải dài lộ các khối đá chồng, đá phong hóa có hình dạng ngộ nghĩnh. Khí hậu và môi trường nơi đây cực kỳ khắc nghiệt, theo thời gian, các khối đá granite rắn chắc cũng bị nắng, gió, sóng biển phá hủy, bào mòn.
Hình 19. Muôn hình thù địa hình phong hóa trên đá xâm nhập phức hệ Cà Ná.
Chúng tôi dừng và khảo sát tại các Bãi Lao Lớn, Bãi Lao, quan sát các mũi đá và các bãi từ xa như Mũi Hời (Mũi Sộp), Bãi Mã, Bãi Bình Châu, Bãi Tàu Bể, Bãi Hõm.
Tại Bãi Nhỏ – Bãi Robinson. Chúng tôi được chú Sanh đãi một bữa thịnh soạn với tôm, cá tươi rói; vừa ăn vừa nghe chú kể những câu chuyện đi biển.
Hình 20. Bữa ăn ngon ngoài sức tưởng tượng của mấy cô trò.
Hình 21. Cùng nhau ngồi dưới mấy cây dứa biển, nghe tiếng sóng vỗ hòa với tiếng rì rào của lá, thấy như mình được tiếp thêm nguồn năng lượng từ thiên nhiên. @Bãi nhỏ – Robinson
Chúng tôi rời Bãi nhỏ lúc 13g, vòng sang Mũi Cà Tiên (ranh giới của Ninh Thuận và Khánh Hòa) rồi tới Bình Ba.
Bình Ba (xã đảo Cam Bình) như một chú bướm khổng lồ đậu trên tấm gương xanh vừa chắn bão cho Vịnh Cam Ranh (Bình Ba có nghĩa là bức bình phong che chắn phong ba bão táp), vừa chấn giữ một vùng biển quan trọng của đất nước, vì vậy từ xa xưa, Bình Ba đã là một khu vực quân sự cực kỳ quan trọng. Làng đảo Bình Ba nằm yên ả ở phía Nam, được che chắn bởi 4 ngọn núi theo hướng đông là Núi Bãi Vò (cao hơn 100m), Hòn Cò (cao hơn 120m), và phía tây – tây nam là Mao Giư (hay Mao Du) (cao 106m) và Ba Dũ (cao 206m).
Bình Ba có khá nhiều Bãi biển ấn tượng như Bãi Nồm, Bãi Chướng, Bãi Nhà Cũ, Bãi Hòn Rùa (Bãi Cây Me), Bãi Hòn Cò, Bãi Yến…. từ tháng 3 đến tháng 9, nước biển buổi sáng trong đến mức có thể thấy tận đáy. Ven đảo Bình Ba có nhiều san hô và dễ dàng ngắm nhìn khi triều xuống.
Đến Bình Ba vào khoảng 14g, chú Sanh đưa chúng tôi vào Bãi Cây Me hay còn gọi là Bãi Hòn Rùa bởi từ trên cao nhìn xuống, mũi đá nhô ra biển giống như chú rùa. Bãi biển phần lớn là cát thô hình thành từ vụn san hô, thạch anh, cuội và đá tảng. Điểm nổi bật của Bãi chính là dải san hô sát bờ dần lộ ra khi triều xuống.
Hình 22. Bãi Hòn Rùa (Bãi Cây Me) với dải san hô ven bờ
Hình 23. Hòn Rùa nhìn từ điểm nhìn trên đảo Bình Ba.
Mùa này chú Sanh bảo không cập tàu phía đông nam đảo được do gió mạnh nên tàu chúng tôi cập Bãi Nhà Cũ lúc 15g. Bãi Nhà Cũ cũng là một bãi biển đẹo, nước trong vắt, san hô dầy đặc. Khu vực bãi Nhà Cũ là khu quân sự quản lý nên việc di chuyển, tham quan của du khách bị hạn chế.
Hình 24. Tháp quân sự tại cửa ngõ vào Bãi Nhà Cũ.
Hình 25. Di chuyển bằng thúng cập bến bãi Nhà Cũ, Bình Ba.
17:00, chúng tôi nhận phòng tại một nhà nghỉ ở khu Bãi Nồm. Chiều tối mấy cô trò khảo sát quanh Bãi Nồm, ngắm một thế giới san hô lung linh, huyền ảo.
Ngày 3, khám phá Bình Ba, trở về đất liền
Ngày thứ ba của chúng tôi bắt đầu thật sớm (từ 5g15) ở bãi Chướng, phía đông của đảo để đón bình minh. Đây là một bãi biển dạng túi chắn bởi 2 mũi đá xâm nhập nhưng là vị trí hứng gió “độc” nên ít người tới tắm. Ngắm bình minh ở một nơi xa, giữa không gian trời – biển bao la, khi những tia sáng đầu tiên ló lên, chúng tôi cảm nhận được hết cái tuyệt diệu của sự khởi đầu.
Dùng bữa sáng xong, chúng tôi tiến hành khảo sát Lô Cốt cũ, điểm ngắm Bãi Hòn Rùa. Bãi đá Lô Cốt là một thềm biển cao khoảng 50-60m, trên bề mặt có các khối đá lớn nhỏ đủ mọi kích thước. Đây cũng là một vị trí thích hợp để quan sát Cửa Bé, Vịnh Cam Ranh.
Hình 26. Bình minh trên Bãi Chướng – nơi đón bình minh sớm nhất Bình Ba.
Hình 27. Đường đèo lên Lô Cốt Cũ.
Hình 28. Bãi đá Lô Cốt cũ.
Hình 29. Bãi Nồm buổi sáng – Bãi tắm chính của Bình Ba.
Cô, trò quyết định tắm để một lần in dấu tại Bãi Nồm nước xanh biếc. Bình Ba không chỉ có Bãi Nồm, còn nhiều điểm ấn tượng chưa khám phá được, thất tiếc nuối.
Buổi chiều tiến hành thăm quan Chùa Ốc – chùa Từ Vân, ngang qua Đầm Thủy Triều, thăm đài tưởng niệm Gạc Ma, Bãi Dài, và điểm cuối là nhà Ngọc Nhi ở tít tận chân núi Hàm Rồng, thuộc xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm.
Hình 30. Chùa Ốc – ngôi chùa được trang trí tinh xảo từ vỏ ốc.
Hình 31. Trên đầm Thủy triều.
Hình 32. Đài tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma.
Hình 33. Bãi Dài – Cam Ranh. Một bãi biển đang được khai thác phát triển hàng loạt dự án khu nghỉ dưỡng, resort cao cấp của Cam Ranh.
Chuyến đi khảo sát của bốn cô trò kết thúc an toàn. Tài liệu chuyến đi sẽ là những tư liệu quý cho các bài báo cáo cũng như nghiên cứu của mình, ngoài ra chúng tôi còn có những kỉ niệm thật vui và ý nghĩa nữa. Càng đi chúng tôi càng được rèn luyện nhiều điều và nhất là cảm thấy thêm yêu đất nước mình.
Xin chân thành cảm ơn gia đình Mai Quỳnh, gia đình Ngọc Nhi, gia đình chú Sanh, và chú Bình đã giúp đỡ cho hành trình của mấy cô trò an toàn và thuận lợi./.
Chúng ta đang sống trong những ngày mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện giãn cách xã hội (social distancing) hay thậm chí đóng cửa thành phố, quận, huyện (lockdown). Người dân được khuyến khích ở yên tại nhà, không ra đường khi không có việc cần. Và đi cùng với đó sẽ là ngưng rất nhiều hoạt động từ sản xuất, dịch vụ đến các hoạt động sinh hoạt của người dân nơi công cộng.
Kết quả là bạn có thấy gần đây có những thông tin về môi trường đang thay đổi với dấu hiệu rất tích cực không?
Bầu trời trên các thành phố tại Trung Quốc, Ý, Mỹ, hay các quốc gia châu Âu đang trong xanh hơn và các chuyên gia chất lượng không khí đang chứng kiến sự sụt giảm đáng kể của các chất ô nhiễm không khí trên toàn thế giới.
Hình 1: Chất lượng không khí tại Trung Quốc được cải thiện đáng kể khi nồng độ NO2 giảm mạnh từ tháng 1 sang tháng 2/2020. Nguồn: NASA [1]
Hình 2: Ảnh vệ tinh từ Cơ quan Vũ trụ châu Âu và NASA cho thấy từ tháng 1, hàm lượng NO2 cao tại miền bắc Italy (hình trên), đến tháng 3 (hình dưới) cũng đã giảm đáng kể. Nguồn: [2]
NO2 là khí ô nhiễm phát thải từ các hoạt động đốt nhiên liệu tại các nhà máy, nhà máy điện và các phương tiện giao thông – các hoạt động đã giảm đáng kể kể từ khi các quốc gia đưa ra các biện pháp ngừng hoạt động để ngăn chặn sự lây lan của virus COVID-19.
Những dòng kênh đã trong xanh trở lại trên thành phố Venice xinh đẹp.
Khi các tàu du lịch ngừng hoạt động và các quầy hàng lưu niệm vắng bóng, việc đóng cửa thành phố do coronavirus đã tạo ra sự biến đổi kỳ diệu ở đường thủy La Serenissima. Độ trong của nước đã được cải thiện đáng kể. Chim cốc đã có thể tìm thấy cá qua làn nước trong. Tại trạm dừng chân của Piazzale Roma, vịt thậm chí còn làm tổ [3].
Hình 3: Dòng kênh đã trong xanh trở lại khi các hoạt động tàu thuyền ngưng do đóng cửa thành phố. Nguồn [4]
Hệ sinh thái đang phục hồi để sinh vật sinh sôi nảy nở.
Trong bối cảnh đóng cửa 21 ngày ở Ấn Độ, một hiện tượng đáng ngạc nhiên đã được quan sát trên các bãi biển của bờ biển phía đông quốc gia Nam Á này. Các bãi biển của bang Odisha là nơi sinh sống của loài rùa Olive Ridley quý hiếm khi chúng đến đẻ trứng vào mùa xuân hàng năm. Năm nay, hàng ngàn con rùa đã xuất hiện tại hai bãi biển ở khu vực này và quyết định đẻ trứng lần đầu tiên vào ban ngày sau 7 năm.
Có đến 420,000 chú rùa con xuất hiện ở khu bảo tồn biển Gahirmatha năm nay. Các nhà khoa học ước tính có hơn sáu triệu quả trứng đã được sinh ra.
Hình 4: Hàng ngàn chú rùa con xuất hiện ven bờ biển phía đông Ấn Độ. Nguồn: [5]
Thật thú vị khi thấy thiên nhiên dường như khẳng định lại chính mình khi hoạt động của con người thay đổi. Có lẽ đó là cách Trái đất phản ứng để báo hiệu cho chúng ta phải xem lại cách chúng ta đã và đang khai thác hành tinh. Đã đến lúc cần xem xét lại các ưu tiên, và nhất là thay đổi cách sống và học cách nuôi dưỡng thiên nhiên để duy trì chức năng của tự nhiên là lá chắn bảo vệ cho chúng ta.
Và tôi càng tin nữa về học thuyết Gaia – Trái đất là một siêu sinh vật [6]. Bạn có từng nghĩ rằng Trái Đất của chúng là đang sống không? Đã từng có nhiều nhà khoa học cho rằng Trái Đất là một siêu sinh vật? vậy chúng ta là gì nhỉ? Và liệu “sinh vật con người” sẽ như thế nào nếu chúng ta sống trên “siêu sinh vật” Trái Đất?
Và 1 đoạn cuối, hãy cảm nhận cảm giác của Gaia – Mẹ Trái Đất qua những dòng thơ của Joe Kitchen [7]
Con virus này liệu có thể chỉ cho chúng ta cách chữa lành cho Mẹ Trái Đất?
Mẹ Trái Đất bị bệnh.
Mẹ đã bị bệnh từ lâu.
Bà đang bị ho khò khè vì không thể thở được.
Trái Đất nóng lên. Mẹ Trái Đất đang nóng lên vì sốt.
Sốt này, bệnh này, không phải là lỗi của Mẹ. Mà là của chính chúng ta.
Đó là lý do tại sao Mẹ buồn.
Mẹ Trái Đất đã buồn từ rất lâu.
Bị cô lập, không thể tiếp cận và nói chuyện với những người đã khiến Mẹ bị bệnh nặng như vậy.
Bởi vì mọi người không chịu lắng nghe.
Mọi người thậm chí sẽ không lắng nghe các nhà khoa học và nhà thông thái.
Ồ, nhiều nhà khoa học và nhà thông thái đã cảnh báo chúng ta, những đứa con của Mẹ.
Các nhà thơ cũng vậy. Các nhà thơ đã cầu xin chúng ta đừng đối xử với Mẹ của chúng ta bằng sự nhẫn tâm như vậy.
Các nhà thơ đã cảnh báo về những hậu quả thảm khốc mà chúng ta sẽ phải đối mặt nếu chúng ta không chú ý đến các cảnh báo.
….
Mẹ Trái Đất đã ngừng cố gắng nói qua các nhà khoa học, các nhà thơ và các ca sĩ
Đó là khoảnh khắc – khoảnh khắc tan vỡ của Trái Đất – khi mất bình tĩnh.
Đầu tiên, Mẹ đốt cháy Úc.
Rồi Mẹ làm mưa bão khắp nước Mỹ.
Làm ra hàng loạt trận động đất, lở đất, hạn hán và lũ lụt.
Và nhân loại vẫn tiếp tục làm những gì họ đã luôn luôn làm.
…
Cho đến khi virus đến.
Một loại virus sao chép chính xác các triệu chứng mà Mẹ Trái đất đang mắc phải lúc này: sốt, khó thở, mệt mỏi và đau đớn.
Phải mất một bước quyết liệt như vậy để làm cho loài người nhìn lên từ điện thoại của họ và nói, Chuyện gì thế này?
Chỉ cần một sinh vật nhỏ bé, hình dạng của một quả bóng có mũi nhọn, để khiến nhân loại đi đến ý thức tập thể của họ.
Thế giới đang thức dậy, một đứa trẻ 16 tuổi nói với chúng tôi chưa đầy một năm trước. Thế giới đang thức dậy, em ấy nói với các nhà lãnh đạo thế giới, và sự thay đổi đang đến, dù bạn có thích hay không.
Thế giới đang thức dậy thực sự.
Nó không phải là một sự thức tỉnh dễ chịu.
Đó là một sự thức tỉnh đi kèm với sự nôn nao tồi tệ nhất mà loài người từng trải qua; nôn nao gây ra bởi nhiều thế kỷ chiến tranh quá mức, vô nghĩa và xung đột, ích kỷ và tham lam.
Nhưng ít nhất nó là một sự thức tỉnh. Và nó xảy ra ngay bây giờ.
Không phải là một thời điểm quá sớm.
Cảm ơn mẹ Trái đất, cảm ơn vì tình yêu nuôi dạy loài người.
Cảm ơn Mẹ đã cho loài người có dịp ở trong căn phòng của chính họ để suy nghĩ về những gì loài người đã làm.
Có lẽ, đây là bước ngoặt mà tinh cầu nhỏ bé trong một vũ trụ rộng lớn và tối tăm này đang chờ đợi.
Đến hẹn lại lên, sau khi kết thúc chuyến thực địa đới bờ, các Thầy Cô bộ môn tổ chức Cuộc thi “Con người – Tài nguyên – Môi trường đới bờ”để các bạn sinh viên báo cáo kết quả thực địa và dự thi/ triễn lãm các sản phẩm video clip, ảnh nghệ thuật, mô hình/ tranh và các bài cảm nhận về chuyến đi.
Ban giám khảo cuộc thi gồm thầy Hải, thầy Tự Thành, cô Phương Chi và cô Quế Nam. Vào 7:30 ngày 08/01/2020, tại phòng H 2.1, cuộc thi bắt đầu, các nhóm lần lượt báo cáo kết quả chuyên đề, diễn giải các sản phẩn triển lãm trong thời gian 15 phút; sau đó thầy cô góp ý để tiếp tục sửa chữa, hoàn thiện báo cáo.
Một số hình ảnh của buổi báo cáo:
Kim Ngân trình bày báo cáo ” Nước khoáng nóng Bình Châu”
Trọng Hiếu trình bày báo cáo “Mỏ cát thủy tinh Bình Châu”
Phương Thi trình bày “Bàu Trắng và tiểu sa mạc Hòa Thắng”
Nhóm Đức Hòa trình bày báo cáo ” Địa di sản Kê Gà” và tác phẩm tranh vẽ của Ngọc Giàu
Quốc Kiệt trình bày “Địa di sản Suối Tiên” và giới thiệu Mô hình ” Đá trong tim”
Hiền Lương trình bày ” Titan trong cát đỏ” và poster cùng bài Vè thực địa
Vào lúc 10 giờ, cuộc thi kết thúc với kết quả các giải thưởng của cuộc thi như sau:
1. Giải báo cáo nhóm:
– Giải nhất: nhóm Phương Thi
– Giải nhì: nhóm Hoài Uyên
– Giải ba: nhóm Quốc Kiệt
2. Giải ảnh nghệ thuật:
– Giải nhất: tác phẩm Mưu sinh nghề chài lưới – Vũ Văn Tuyến
– Giải nhì: tác phẩm “Ngọn hải đăng” – Thúy Hường
– 2 Giải ba: “Chinh phục đồi cát Hòa Thắng” – Phương Thi, và “Chia xa” – Bích Liên
Ngày 18-19/6/2019,Hội thảo Quốc tế về giá trị di sản công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh được tổ chức tại Quảng Ngãi với sự tham dự của nhiều nhà khoa học về địa chất, khảo cổ, văn hóa, lịch sử trong và ngoài nước.
Đến tham dự Hội thảo có ông Guy Martini Tổng thư ký mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, các đại diện Ban quản lý các Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu của UNESCO và Việt Nam, đặc biệt có sự hiện diện của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
Bài trình bày của Ông Guy Martini “Làm thế nào để phát triển thành công CVĐC toàn cầu UNESCO.”
Gian hàng triễn lãm của các Công viên địa chất Việt Nam và trưng bày các sản phẩm địa phương.
Hội thảo lần này cho thấy diện mạo một CVĐC đã được định hình. Trên diện tích 4.600 km2 CVĐC (2.000km2 đất liền, 2.600km2 mặt biển) đã xác định được 87 điểm có giá trị di sản địa chất, văn hoá lịch sử, và đa dạng sinh học.
Nổi bật CVĐC Lý Sơn – Sa Huỳnh với chủ đề Miền đất của những chuyển động (The Land of Motions). Đó là chuyển động từ tây sang Đông là sự dịch chuyển, nâng lên hạ xuống của thạch quyển lục địa cổ Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, là sự cuộn chảy của những dòng nham thạch trên đảo Lý Sơn. Chuyển động từ Bắc xuống Nam là dòng thời gian, dòng chảy của những nền văn hóa từ Sa Huỳnh, Chămpa đến Đại Việt.
Các điểm di sản chọn lọc phân bố trên bốn tuyến: 1) Bí ẩn nơi Đảo thiêng – tuyến về phía Đông, tham quan vùng lõi của CVĐC là đảo Lý Sơn với 30 điểm di sản địa chất và văn hóa; 2) Vũ điệu thời gian – tuyến về phía Tây, trong hương quế Trà Bồng với 20 điểm di sản; 3) Hành trình về những nền văn hóa cổ – tuyến về phiaNam tại trung tâm của nền văn hóa Sa Huỳnh, và tiếp nối dòng chảy văn hóa là Chămpa và giao thoa với nền văn hóa Đại Việt sau này, với 19 điểm di sản; và 4) Tiếng vọng của biển và Ký ức chiến tranh – tuyến về phía Bắc CVĐC với 18 điểm di sản.
Các tuyến du lịch và 87 điểm dừng chân của CVĐC Lý Sơn – Sa Huỳnh. Nguồn: Website của CVĐC Lý Sơn – Sa Huỳnh
Chương trình hội thảo được chia thành 3 phiên: 1) Giá trị di sản văn hóa khảo cổ Sa Huỳnh nhân 110 năm phát hiện, nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh (7 báo cáo); 2) Giá trị di sản địa chất (8 báo cáo); và 3) Công tác quản lý, khai thác và phát triển bền vững các giá trị di sản (2 báo cáo).
Các báo cáo, tham luận được trình bày tại Hội thảo đã nêu những kết quả nghiên cứu mới về văn hóa Sa Huỳnh, thêm nhiều công bố giá trị về các di sản địa chất trên địa bàn CVĐC.
Ông Nguyễn Minh Trí – BQL CVĐC giới thiệu về CVĐC Lý Sơn – Sa Huỳnh
Việc nhận diện đầy đủ giá trị di sản địa chất, văn hóa – lịch sử là bước rất quan trọng làm cơ sở cho tỉnh Quảng Ngãi xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản phù hợp với thực tế và các tiêu chuẩn quốc tế.
Thực địa sau hội thảo được tổ chức tại 3 vị trí: Bảo tàng Tỉnh Quảng Ngãi, một vài điểm di sản trong tuyến Bí ẩn nơi đảo thiêng – ra Đảo Lý Sơn, và Khu chứng tích Sơn Mỹ.
Tác giả nghe giới thiệu về San hô Cối xay trên Đảo Lớn
Dấu tích san hô trên vách Hang Câu – Đảo Lớn
Bãi bom núi lửa trên đảo Bé
Bãi Hang – đảo Bé, một bãi biển dạng túi với vách đá basalt ấn tượng
Theo tiến độ, hồ sơ Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh sẽ được hoàn chỉnh và đệ trình UNESCO vào tháng 11 năm 2019./.
Địa du lịch bao gồm hai hợp phần “Địa” (Geo-) và “du lịch” (-tourism), trong đó “Địa” nghĩa là “Địa chất” nên đối tượng mà nó hướng đến sẽ là các dạng thành tạo(form), các quá trình địa chất(process), và thời gian địa chất (time); còn hợp phần “du lịch” trong khái niệm này sẽ quan tâm đến khía cạnh: Nguồn cung (Supply): làm thế nào để phát triển các điểm đến – Nhu cầu (Demand): du khách trong nước và quốc tế. (Ross Dowling, 2011)
Hình 1: Hai hợp phần của địa du lịch (Newsome & Dowling, 2006)
Ross đã đưa ra 3 thông điệp quan trọng từ việc diễn giải cho đặc điểm địa du lịch:
1.Địa du lịch tập trung chủ yếu vào ĐỊA CHẤT và CẢNH QUAN, vì vậy có thể đẩy mạnh:
“Khi đi đến một thắng cảnh tuyệt đẹp, việc đầu tiên bạn sẽ làm gì?” Đó là câu hỏi tôi đã hỏi qua hầu như tất cả các lớp tôi dạy và đa phần các bạn ấy trả lời việc đầu tiên bạn có thể làm là đưa máy ảnh/ điện thoại lên chụp hình. Nhưng… tại sao bạn không để cái giây phút tuyệt vời nhất đó để đánh thức các giác quan của bạn.
Trên hẻm vực Grand Canyon (Hoa Kỳ) có ghi một câu rất hay: “Một phút thôi, Không đọc, không nói, không chụp hình, chỉ có nhìn và ngắm….”
Và đến với Lý Sơn hãy sử dụng hết tất cả các giác quan của bạn trong du lịch chứ không chỉ đơn thuần là chiếc máy ảnh.
Hãy sử dụng thị giác của bạn để thưởng thức hết tất cả vẻ đẹp của vách biển hiện đại Hang Câu – Chùa Hang: đó là một mắt cắt địa chất vĩ đại của một nón núi lửa phun nổ có tuổi khoảng 2000 năm. Hay hãy thu vào tầm mắt bạn hết cả đất – trời – biển hùng vĩ của Lý Sơn từ trên đỉnh Thới Lới. Hay một bãi biển trong vắt đến ngỡ ngàng tương phản trên nền đen nhánh của dòng bazan tại bãi Tiên trên Đảo Bé. Thị giác bạn sẽ cực kỳ thoả mãn mà không có chiếc máy ảnh nào có thể đem lại được.
Vách biển hiện đại Hang Câu
Hãy sử dụng thính giác để lắng nghe đất trời biển đảo. Là tiếng sóng vỗ vào hốc đá hang núi lửa tạo âm thanh khò khè, hay tiếng gió reo vi vu qua hàng dừa nơi cù lao Bờ Bãi, hay thú vị hơn nữa là tiếng giòn tan lách tách trong miệng khi bạn thưởng thức món gỏi rong biển – một đặc sản tại đảo.
Cù lao Bờ Bãi (Đảo Bé)
Hãy sử dụng khứu giác của bạn để ngửi thấy mùi vị tươi nguyên trong lành không tạp chất của gió biển, hay cái mùi cay nồng trên ruộng tỏi Lý Sơn, hay tuyệt vời hơn là hương thơm thoang thoảng của hoa bàng vuông nở bung như những chùm pháo hoa vào buổi tối.
Hoa bàng vuông trên Đảo lớn
Hãy sử dụng vị giác của bạn để nếm hết tất cả các vị mặn, ngọt, chua, cay… của các đặc sản nơi đây như các loại cá, sò, ốc, nhum, rong, tỏi,… Đó sẽ là những hương vị tươi nguyên nhất, tuyệt vời nhất làm cho chuyến hành trình của bạn thêm phần khó quên.
Gỏi rong biển tươi mát giòn tan trong miệng
Và hãy để xúc giác của bạn cảm nhận hết tất cả không gian trời, biển, núi non và cả con người miền biển đảo dân dã, chân chất, thật thà.
Lý Sơn nhìn từ đỉnh núi Thới Lới
Tất cả những trải nghiệm tuyệt vời này có lẽ sẽ luôn theo bạn và mãi trong ký ức của bạn để chỉ chờ cho đến mùa hè sẽ bung ra hối thúc chúng ta lại xách ba lô lên và tiếp tục rong ruổi trên những nẻo đường đất nước. Hãy đến Lý Sơn để cảm nhận nhé!
Cuối cùng, hãy đồng hành cùng Cổng thông tin Địa Môi trường của chúng tôi, sẽ cung cấp thêm cho bạn những kiến thức về khoa học trái đất để hiểu thêm vì sao lại có những cảnh quan tuyệt vời đến như vậy để chúng ta cứ mãi được đi khám phá và chinh phục./.
Suối Tiên là một địa điểm không thể bỏ qua khi đến tham quan Mũi Né, Phan Thiết. Suối Tiên chảy theo ranh giới giữa dải đồi phía đông cấu tạo bởi cát màu trắng xám và dải đồi phía tây là cát đỏ phủ lên cát trắng xám. Cát màu đỏ thuộc hệ tầng Phan Thiết có tuổi 85.000 ± 9.000 năm hình thành vào giai đoạn biển tiến Pleistocene muộn (MIS-5), cát trắng xám thuộc hệ tầng Mũi Né có tuổi > 204.000 năm hình thành trong giai đoạn biển tiến Pleistocene giữa (MIS-7). Đây là vết lộ địa tầng tương ứng với hai giai đoạn biển tiến được định tuổi tuyệt đối duy nhất ở Việt Nam*.
Suối Tiên được đánh giá là một geosite có giá trị cao về mặt khoa học địa chất, địa mạo và giá trị thẩm mỹ (Hà Quang Hải và nnk). Trên sườn phía tây suối, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy các dạng vi địa hình phản ánh đặc điểm thạch học của hai hệ tầng. Trên cát đỏ (hệ tầng Phan Thiết) xuất hiện các khe rãnh xâm thực, vết trượt, cát trôi. Trên cát trắng xám (hệ tầng Mũi Né) có các “tháp cát, nấm cát” kiểu giả karst, các vách thẳng đứng, các hàm ếch xâm thực và thác nước.
Hình 1: Vách đồi phía tây, cát đỏ phủ lên cát trắng gồm các dạng địa hình độc đáo
Lội bộ dọc suối – con đường mòn địa chất (geotrail) thú vị
Nước suối Tiên mát rượi, mực nước thường đến cổ chân, đôi chỗ đến nửa gối và nơi sâu nhất cũng không quá đầu gối. Đáy suối cát có màu đỏ cam do trầm tích sườn đồi phía tây chảy xuống. Từ lâu, Suối Tiên đã là một điểm tham quan của du khách trong và ngoài nước. Việc tham quan trải nghiệm tại nơi đây chủ yếu là đi bộ dọc theo suối để ngắm các dạng vi địa hình cũng như cảnh quan độc đáo và việc lội bộ trên nền suối cát êm chân làm cho du khách cảm thấy khá thú vị nhất là trong cái tiết trời oi ả của đồi cát miền Trung rộng lớn.
Lội bộ từ cửa suối đến thác nước, du khách sẽ thật sự thú vị khi thấy ranh giới rõ ràng giữa hai hệ tầng (cát đỏ phủ trên cát trắng), sự xuất hiện các bậc thềm suối, các tháp cát giả karst (Hình 2), các delta (Hình 3), các vết trượt, các hàm ếch và cuối lộ trình là thác nước với hố xoáy chân thác.
Hình 2,3,4,5: Du khách đi dọc suối để ngắm cảnh quan độc đáo
Suối Tiên đang trong quá trình suy thoái
Những dạng địa hình nói trên (trượt đất, cát chảy, hàm ếch…) phản ánh quá trình suy thoái của suối Tiên. Đi dọc theo suối, có thể dễ dàng nhận thấy các vết trượt dày đặc, có kích thước khác nhau. Tại một số vị trí trên sườn dốc còn quan sát được rãnh xâm thực sâu, khá lớn; các vết trượt lòng máng thường hình thành trên cát đỏ. Trên cát trắng xám thường là các vách dốc đứng, các khe rãnh xâm thực hẹp, các “carư” dạng lưỡi mác có kích thước khác nhau; chân cát xám trắng có các hàm ếch xâm thực khá rõ, một số vị trí các hàm ếch này đã sập xuống đáy suối.
Hình 6: Toàn cảnh một cung trượt.
Hình 7: Trên ảnh Google Earth 26/4/2010, ta có thể quan sát hàng loạt cung trượt khá rõ trên sườn tây
Địa hình (độ dốc cao của sườn), đặc điểm trầm tích (chủ yếu là cát bở rời hoặc gắn kết yếu), lớp phủ thực vật trơ trụi là những yếu tố chính dẫn đến sự suy thoái của Suối Tiên (Hình 8).
a) 12/2015
b) 6/2016
Hình 8: Tác động xâm thực đang làm Suối Tiên suy thoái
Hoạt động du lịch cũng góp phần gia tăng sự suy thoái của Suối Tiên. Du khách đến đây ngày một nhiều. Một số du khách trèo trên sườn cát chảy, ngồi lên các khối giả karst (Hình 9), di chuyển dọc suối làm gia tăng xói mòn, kết quả là lòng suối ngày một mở rộng và khoét sâu hơn. So sánh cùng một vị trí trong 3 thời kỳ cho thấy bề rộng suối mở rộng gấp 3-4 lần (Hình 10).
Hình 9: Một hàm ếch khoét sâu vào khối giả karst. 12/2015
Hình 10: Khúc suối bị mở rộng do tác động du lịch (12/2012-12/ 2014-6/2016)
Dịch vụ xe jeep dọc Suối Tiên là không thích hợp
Cách nay khoảng 2-3 tháng, xuất hiện các xe Jeep chở khách dọc Suối Tiên. Việc đưa se jeep vào Suối Tiên sẽ dẫn đến những hệ lụy không tốt cho điểm đến “bồng lai tiên cảnh” này.
Hình 11: Ngay tại khu vực xuất phát đã bắt gặp dịch vụ chở bằng xe Jeep vào thác
Chiều dài của con suối chưa đầy 1 km, phương tiện di chuyển bằng xe Jeep hoàn toàn không phù hợp. Ngồi trên xe, du khách sẽ không cảm nhận được những điều lý thú xuất hiện liên tục theo vách suối. Lòng suối khá hẹp, nước nông, nền cát mịn, nếu lội bộ sẽ làm tăng thêm sự thích thú của du khách. Khi những chiếc xe Jeep đi qua, bấm còi inh ỏi, các du khách phải vội vàng nhường lối (nép vào vách suối), nước bắn lên người, khiến cho những cảm nhận về một cảnh quan tự nhiên không còn nữa. Cũng không loại trừ những tai nạn giao thông có thể xảy ra.
Khi xe Jeep di chuyển, lòng suối sẽ bị khoét sâu, sóng sẽ tác động đến vách suối; tức là quá trình xâm thực sẽ gia tăng (cả sâu và ngang); kết quả là các dạng vi địa hình, địa mạo độc đáo ven suối sẽ bị phá hủy nhanh chóng.
Hình 12: Việc di chuyển bằng xe Jeep qua những khúc hẹp như thế này sẽ làm tăng xói lở hai bên bờ
Thay lời kết
Geosite Suối Tiên thuộc tiêu chí độc đáo (duy nhất) và phức hợp (địa mạo-địa tầng), đã được đề xuất là geosite cấp Quốc gia. Loại hình thích hợp tham quan geosite này là đi bộ, đi dọc theo lòng suối (geotrail) du khách có trải nghiệm thú vị về địa chất, địa mạo nơi đây. Đưa xe jeep vào Suối Tiên sẽ làm cho geosite này suy thoái nhanh hơn, các du khách thích thú đi bộ sẽ xa lánh dần. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận nên dừng ngay hoạt động dịch vụ xe Jeep tại nơi này. Hơn thế nữa, Suối Tiên cần được quy hoạch thành một điểm du lịch, có hướng dẫn viên thuyết minh các hiện tượng địa chất, địa mạo và cần có giải pháp bảo tồn geosite này – một tài nguyên vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây.
Phương Chi.
* Đọc thêm bài Các geosite ven biển Bình Thuận trong diamoitruong.com